Total Pageviews

Thursday, January 16, 2025

Chơi cho lịch mới là chơi?

 









Chơi cho lịch mới là chơi?
(NCT)





Không nói đến những cuộc chơi với máy móc mà chỉ nói con người với con người. Ai mà chẳng thích chơi!

Sáng ngồi nhâm nhi ly cà phê và nghĩ lại khi xưa, thấy mình cũng thích ăn chơi nhảy múa như ai, đua đòi mọi thứ từ hồi còn trai trẻ. Ngoài thú đọc sách, chơi đàn, xem phim mình còn thích cả đánh bài, đánh cờ các loại. Gì cũng biết, có dạo còn lái xe đi cả chục cây số chỉ để đánh vài ván cờ ghiền.
Cũng rút xì phé, binh xập xám ăn tiền, nhưng không mê say cay cú...
Cũng thích nhảy đầm, võ vẽ, Kungfu nhưng thể lực giới hạn nên chỉ chơi cho vui, tham gia giải trí.
Dĩ nhiên khi chơi thì muốn thắng chứ chẳng ai muốn thua bao giờ. Nhưng không khi nào mình ăn gian lừa bịp vì mình không có tính "ta nhất định thắng" địch "nhất định thua".
Đã chơi thì chơi cho đàng hoàng và tôn trọng luật chơi cùng đối thủ.
Chỉ có con người mới biết bầy trò vui chơi thích ứng với trí thông minh từ thời ăn lông ở lỗ, đến văn minh hiện đại và phát triển thành những nét văn hoá riêng biệt của từng dân tộc. Một đất nước nghèo hèn bao giờ cũng đi đôi với văn hoá kém phát triển.
Văn học nghệ thuật cũng vậy thôi!
Nếu hay, đẹp, mới lạ, nhân văn sẽ có khả năng tự thân lan tỏa khắp nơi. Ra thế giới. Chẳng cần phải ồn ào quảng cáo!

Phải chăng đời người cũng chỉ là một cuộc chơi rong ruổi từ đầu đến cuối. Lao động chân tay hay trí não đem lại cho ta niềm vui sống cũng là một cuộc chơi. Vài chục năm đam mê sáng tác sáng tạo đều có hạnh phúc, buồn đau, đôi khi có cả máu và nước mắt. Vào tù ra tội.
Có người cả đời lấy chữ nghĩa làm cuộc vui sống, làm sự nghiệp, để rồi thành nạn nhân cho một cuộc đấu tranh "vô sản hoá".
Từ một cuộc chơi văn nghệ hồn nhiên nhân bản đã biến thành một cuộc chơi hèn hạ độc ác mất nhân tính.

Ít ai chỉ "Vui thôi mà" như thi sĩ Bùi Giáng. Một nghệ sĩ thiên tài "tự hủy" của nền văn học miền Nam trước 75.
Thế giới cũng không thiếu những nghệ sĩ thành danh say mê cuộc chơi "tự hủy diệt" tương tự.

Chỉ có thể thao, đối kháng cá nhân hay đồng đội, đồng chủng là những trò chơi văn hóa có tính chất lành mạnh, có luật lệ chặt chẽ. Như Quần Vợt, Bóng Đá, Bóng bàn v.v. giờ đã thành thú vui giao lưu văn hoá toàn cầu. Là thể diện của cả một quốc gia, thu hút danh dự cả tỷ khán giả. Nên nhất thiết phải chơi sao cho đẹp mắt, cho hay, cho tử tế ... cho nghệ thuật.
Ngoài ra còn có cả bộ môn "Lý Thuyết Trò Chơi", Game Theory toán học khá phức tạp. Không chỉ Fairplay mà còn là vũ khí, nghiên cứu những điều kiện thắng bại về đủ mọi mặt. Tâm lý xã hội, kinh tế, chính trị, ngoại giao. Một thương trường, chiến trường đầy cạm bẫy giữa các chủng tộc khác màu da và tư tưởng.

Chiến tranh cũng là một trò chơi của loài người? trò chơi quyền lực của kẻ ác? Một nghệ thuật ... giết người?

"Lý thuyết trò chơi" mình chỉ hiểu lơ mơ, vấn nạn khác không còn là chuyện vui chơi trẻ con nữa.
Nhớ hồi nhỏ mình rất thích đánh đáo ăn tiền, thường đi hoc sớm hẹn các bạn chơi trước giờ vào lớp. Ngày nào cũng ăn của chúng nó vài ba đồng, nhờ tài ước chừng khá chính xác bằng mắt khoảng cách xa gần... và khéo tay. Chọi đâu trúng đó nên thường có tiền mua 'bắp luộc' ăn sáng, đôi khi còn dư tiền rủng rỉnh nuôi cá nuôi chim.
Món quà sáng ưa thích bị thầy để ý và đặt cho cái tên là "thằng bắp luộc". Cũng hay hay, còn tự hào biệt danh, vì thực sự mình cũng thích chơi hơn thích học, học cũng cứ như chơi!

Và hiểu rằng ở đời: có những trò chơi lành mạnh, chơi vui, chơi đẹp, chơi ác và trò chơi hủy diệt con người và sự sống.

Giờ thì chân yếu tay mềm nên chỉ biết ...
Ngồi chơi.
Xơi nước!

SG 13/1/25












No comments:

Post a Comment

Nói Chuyện Với Tách Cà Phê