Total Pageviews

Saturday, April 27, 2024

Văn và Ăn








Văn và Ăn




Sáng nhâm nhi ly cà phê mình lại lẩn thẩn nghĩ ngợi:

Trong chữ Văn có chữ Ăn. Ăn cái gì, Ăn như thế nào là vấn đề Văn hoá. Mỗi dân tộc có một cách ăn khác nhau tùy theo phong tục, giàu nghèo và trình độ Văn hoá.

Nghĩ cũng lạ với chữ Việt mình. Chỉ một chữ Văn và Ăn thôi ta đã có vô số ngữ nghĩa. Vì nó độc âm nên biến hoá như trò ảo thuật. Tung hứng tùy thích từ người ko biết chữ đến giới cầm bút. Từ anh thợ cầy đến anh thi phú. Như Văn minh, Văn chương, Văn khoa, văn khố, Văn tự, Văn nô, Văn học, Văn hoá v.v
Văn hoá thì khu phố nào cũng là khu phố Văn Hoá, cả nước có Văn hoá, có thời gian gọi là Văn hoá loa phường. Hẻm hóc nào cũng là hẻm Văn hoá vì có những gia đình Văn hóa ko chê vào đâu được. Cũng tiết hạnh khả phong hay dũng sỹ diệt Mỹ bên cạnh ảnh lãnh tụ anh minh chứ thua kém gì thời phong kiến?

Trong chữ Văn lại có chữ Ăn. Ăn thì thật đa dạng, phong phú, cũng biến hoá ko chê vào đâu được. Tỷ như Ăn chơi, Ăn nhậu, Ăn ở, Ăn uống, Ăn tiệc, Ăn cỗ, Ăn cưới, Ăn độn, Ăn dặm, Ăn nhanh, Ăn chậm, Ăn chực, Ăn chạy, Ăn chay, Ăn mặn, Ăn sống nuốt tươi, Ăn xổi ở thì. Có bạn nhắc Ăn sương, Ăn ngủ, Ăn nằm (với nhau) nữa!
Và chỉ cần thêm cơm, phở, bún, cháo, thịt, tôm, cá vào là ko kể xiết, kể ko hết. Nhưng ông Ăn chả bà Ăn nem lại là chuyện khác, rất riêng tư, ai Ăn người nấy biết! Ko khéo thì Ăn đấm, Ăn đòn.

Lại còn thích Ăn, thèm Ăn, tham Ăn, háu Ăn, cho gì Ăn nấy như thời tem phiếu. Có nơi vừa Ăn vừa bị chửI, bị mắng vẫn cúi mặt Ăn ngon lành như không.
Chưa hết, ta còn có Ăn cướp, Ăn cắp, Ăn gian, Ăn xén, Ăn bớt, Ăn trộm, Ăn hại, Ăn vạ, Ăn hối lộ, Ăn tiền, Ăn hiếp, Ăn mày, Ăn xin, Ăn bẩn, Ăn không chừa thứ gì của bọn quan tham, và một cụm từ mới... Ăn mày dĩ vãng. Rất hay, rất đúng!

Bao giờ thì mới biết Ăn năn?

Đấy! tiếng Việt thật phong phú và siêu hạng. Nếu nước Việt là một siêu cường kinh tế phát triển thì có thể một ngày nào đó ta sẽ có giải Nobel văn chương.
Mình chợt nhớ tới trang mạng của cố nhà văn dịch giả Phan Huy Đường (1945 - 2019) trang "Ăn Mày Văn Chương". Trên dấu tay của ông có ghi:
"Muốn viết văn, phải ăn mày văn chương hết nước! hehe".

PS/ Viết thêm vài câu với sự góp ý của bạn bè.
PN 22/4/24









Monday, April 15, 2024

Lala coffee

 




Lala coffee






Hôm qua lần đầu tiên mình đi bác sĩ châm cứu, vì dạo này hay nhức đầu, chóng mặt vì thiếu máu hay tuần hoàn não chưa đều gì đó, hơn nữa nhà thơ Hoàng Hưng bảo phải chữa kết hợp đông tây! Đã cho mình tên một bác sĩ từ khá lâu mà mình vẫn lơ là!

Đã chín tháng (mười ngày) trôi qua từ khi mình bị tai biến, mắt cũng đã phục hồi được 70%, có bạn bảo còn long lanh nhưng mơ huyền khi nhìn xa, và đi đứng vẫn phải chống gậy. Không hiểu sao người mình cứ đảo về phía tay trái muốn ngã. Nghĩa là rất tả khuynh! Và rất tùy hứng! Ko còn nghiêng ngó gì được nữa!

Có điều đầu óc vẫn sáng suốt, trí nhớ rất tốt, thỉnh thoảng quên tí chuyện nọ chuyện kia ko quan trọng. Sức khỏe cũng phục hồi được 80%, gầy đi vài ký cho nhẹ người.
Ai cũng bảo là mình có số hên. Quý nhân phù trợ. (Cách đây ba năm mình bị nhồi máu cơ tim) Khi nào vấp ngã hay "xa ngã" đều có người nâng đỡ! Đặc biệt lần này có một nàng tiên, một người "tình cũ" giầu lòng bác ái đến chăm lo cơm nước thuốc men hàng ngày.
Nhờ bạn bè thân hữu động viên, đến thăm và đã biến quán cf gần nhà thành một nơi tụ hội thân tình vui vẻ. Mình ko phải đi đâu xa nữa.
Quán cf LaLa Q4 đâm ra nổi tiếng! Có sân vườn, mát mẻ, yên tĩnh. Mua một tặng một trước 9 giờ sáng nhé các bạn!

Ai rồi cũng đến lúc già yếu và đổ bệnh. Chỉ còn lại tình người là chính. Tất cả là phù du.
Nhưng "nắng được thì cứ nắng".

Xin tạ ơn đời, tạ ơn người. Cho tôi ngồi mơ ước cuộc vui.
(Ý nhạc TCS)
PN. Sài Gòn 13/4/24
Nhật thực toàn phần năm nay 8/4/24














Wednesday, April 10, 2024

Triết lý vụn

 







Triết lý vụn





Sáng pha ly cà phê. Ngồi nhìn mặt trời mọc đỏ lửng cho một ngày mới tận cuối chân trời... Ngày nào cũng thế, mình lẩn thẩn nghĩ và triết lý vụn:
Suy cho cùng, tất cả mọi hành động, toan tính, mọi chủ thuyết, sáng tác, sáng tạo của con người vì đồng loại đều phát xuất từ bộ não của cái đầu, nhịp đập nhanh chậm của con tim và sự nhấp nháy của bộ phận... sinh dục. Dĩ nhiên, không thể quên tiếng réo gọi của cái dạ dầy co thắt từ thuở khai thiên lập địa. Căn nguyên nguồn gốc của mọi Đau khổ và Khoái lạc, của Chiến tranh và Hòa bình, của Vinh quang và Ô Nhục.
Tất cả là từ đấy.
Vấn đề là bộ phận nào đang làm chủ, hướng dẫn bạn hành động trong cuộc sống, bộ phận nào chiếm lĩnh thế thượng phong trong cuộc đời của bạn và trong cộng đồng xã hội mà bạn đang sinh tồn!
Thế thôi!
Người cộng sản hiểu rõ điều đó. Họ nắm lấy cái bao tử để hành động.

PN. Sg 31/3/24










Tuesday, March 19, 2024

Ma Tăng







Ma Tăng





Hồi nhỏ mình rất sợ MA và sợ Chó. Sợ Ma nhập hơn là sợ chó cắn.
Từ Ma cà rồng, Ma lai rút ruột, Ma trơi, Ma hời, Ma xó, Ma da, Ma cà bông Ma cà cúi... Tất tất tất cả các loại Ma. Sau này còn có loại Ma San nữa.
Nghe chỗ nào có Ma là mình ko dám bén mảng đến. Người nổi hết da gà, dựng hết cả tóc gáy.
Nhưng bây giờ già rồi, chống gậy rồi, chẳng sợ gì hết mà chỉ sợ ... Ma Tăng!
Nhưng lạ thật! Khác với mình, Ma tăng thì người ta mê lăn mê lóc, cả vạn người mê mệt, mê cuồng, mê say đắm, mê tả tơi, mê rã rời, mê tít thò lò chứ ko hề lo ngại hay sợ hãi! ko những thế họ còn cho ăn, cho tiền, vái lậy xùm xụp, nó bảo gì cũng phải nghe, nói bao nhiêu tiền cũng phải cúng! Cúng oan gia trái chủ. Cúng sao giải hạn!
Nhân loại đã bay tới sao Kim sao Hỏa, nhầm nhò gì! Ma tăng bay tới tận sao La Hầu sao kế Đô rồi cơ mà. Cho nên phải cúng!
Các bạn tin ko?
Sắp tới sẽ còn cả đoàn Ma da trắng từ phương Tây được cấp visa về VN xin hưởng sái, vì ở bên ấy đói quá chẳng có gì ăn.
Ko tin bạn cứ hỏi ông Thích Chân Quang hay ông Thái Minh ba vàng thì biết! Toàn những ông Tiến sĩ coi đạo pháp nhà Phật, cũng như pháp luật XHCN to bằng vung.
Chẳng ra gì. Thật! Chăm phần chăm.
Chiều nay em ơi chiều nay một chăm phần chăm... Chiều nay em ơi ...


PN SG 17/3/24











Tuesday, March 5, 2024

Nạn nhân của bạo tàn

 





Nạn nhân của bạo tàn.



Nói chuyện xưa chuyện nay tại Paris mình lại nhớ nhiều kỷ niệm hồi còn hoạt động xã hội và làm việc cho một Trung Tâm Trợ Giúp Những Người Tị Nạn chính trị, kinh tế của chính phủ Pháp. Họ đến từ những đợt di tản nhập cư cả triệu người từ bốn phương tám hướng. Việt Nam, Lào, Campuchia, Châu Mỹ la tinh: Chile, Colombie, Bresil, Trung Cận đông: Liban, Iran, Irac, Bangladesh, Srilanka, từ những nước Đông Âu, Liên xô cũ, Ba Lan Tiệp Khắc và cả Trung Cộng.
Họ đến từ những địa danh khói lửa chiến tranh, giết chóc bạo tàn nhất thế giới.Từ những cuộc đối đầu ý thức hệ tôn giáo, chính trị, kinh tế, sắt máu nhất cuối thế kỷ hai mươi, với đủ màu da, da vàng, da đen, da đỏ, da trắng, đa số là những nước nghèo đói.
Mình đã dạy và tổ chức những lớp học tiếng Pháp, mở trường dạy nghề và hướng nghiệp cả ngàn thanh niên nam nữ, giúp họ có chỗ ăn chỗ ở, ổn định cuộc sống để sớm hội nhập lâu dài với xã hội tây phương.
Mỗi người là một hoàn cảnh đau thương khổ nạn.
Khó nhất vẫn là các trẻ em mồ côi vị thành niên sống sót qua cuộc dâu bể, mất cha mất mẹ khi vượt biển, vượt biên và thất học! Có em còn không biết quả đất tròn hay vuông? Phải học ăn học nói, học gói học mở ngõ hầu trở thành những người tử tế chứ ko phải tội phạm.
Nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng và suôn sẻ.
Mình đã chứng kiến những khuôn mặt thất thần, mất hồn mất vía từ nạn nhân Khmer đỏ. Từng nghe tả những cảnh bị cướp biển giết hiếp, mất vợ lạc con, trên rừng dưới biến thật đau lòng không thể nào quên, và như thế kéo dài gần 15 năm. Cả một quãng đời khi mình còn trẻ!
(Bà vợ lúc đó là một thuyền nhân VN tị nạn được giúp đỡ và ăn học sau này trở thành kỹ sư điện toán).
Cách đây không lâu, một cậu học trò tình cờ gặp lại trong tiệm cà phê đã nhận ra mình, đến chào. Cậu ta đã trở về VN tìm lại được gia đình và giờ làm chủ một khách sạn nhỏ trên nền nhà cũ ... Thật hy hữu. Còn bao nhiêu khuôn mặt chứng nhân của địa ngục trần gian, của lịch sử mà mình đã quen biết... giờ họ lưu lạc nơi đâu? Họ làm gì?
Lần đầu tiên trong bốn ngàn năm lịch sử, người VN mới có một cuộc "xuất ngoại" vĩ đại và đau thương như thế!
Khúc ruột ngàn dặm?
Nhưng chiến tranh và thù hận của thế kỷ 21 sẽ tinh vi hơn, tàn bạo hơn, khủng bố dã man hơn. Những vũ khí tối tân khác sẽ ra đời, tiêu diệt con người một cách nhẹ nhàng êm thắm nhưng triệt để hơn... Giết người để cướp đất cướp của thỏa mãn lòng tham danh vọng.
Ai là thủ phạm? Ai sẽ là nạn nhân?
Con người tiêu diệt môi trường sống của nhau. Chiến tranh sẽ chẳng bao giờ chấm dứt!

PN. 12/ 2/2016
















































L' Amour au temps du... Corona! * (Nhớ những ngày cô đơn vượt qua đại dịch Covid)

 











L'Amour au temps du... Corona! *
(Nhớ những ngày cô đơn vượt qua đại dịch Covid)





1
THÓI QUEN
Cấm cung mãi rồi cũng quen. Cách ly thời Cô Vy hóa ra lại làm mình thích ngồi nhà. Sáng ko thấy có nhu cầu ra đường cf nữa, dù là cf vỉa hè. Ngồi nhà uống nhưng vẫn châm điếu thuốc. Đúng giờ bật TV xem tin tức rồi đọc sách xem phim hoặc vào phây búc. Loanh quanh luẩn quẩn trong nhà cũng thấy bình thường, chẳng sao ... dù cô độc như tu kín, tu thiền, tới bữa tự đặt nồi cơm có gì ăn nấy, lắm lúc cũng chẳng cần ăn.Hoá ra tất cả chỉ là thói quen?
Không lẽ con người ta chỉ sống với những thói quen, từ hành vi đến suy nghĩ, vật chất lẫn tinh thần?
Thói quen nào là bẩm sinh, thói quen nào được học tập dậy dỗ? Từ ăn ngủ, đi đứng, làm tình, uống rượu, đọc sách, nghe nhạc, nhậu nhẹt, chửi thề, tiêu xài, chợ búa, v.v ?
Có thói quen xấu và thói quen tốt... Nhưng là chuyện khác!
Mình có bà bạn vẫn thích sách giỏ đi chợ trời, la cà mặc cả chứ ko chịu vào siêu thị. Một ông bạn chửi thề nổ như bắp rang, nhưng lại rất tử tế khi nói chuyện với mình.Thói quen?
Có người tiêu pha rộng rãi dù nghèo rách mồng tơi và người không chi một cắc cho ai cũng chỉ vì thói quen.
Kể ra có rất nhiều sắc thái tâm sinh lý hành vi hàng ngày là thói quen.
Tỷ dụ như ông bạn già sống độc thân từ trẻ, nay có bà người làm trong nhà cũng khó chịu!
Có bác chỉ quen ngồi nhà vặt lông mũi nhưng khi có đám đông thì ba hoa phét lác như lãnh đạo. Thói quen?
Thích làm lãnh tụ cũng là một hiện tượng thường thấy trong xã hội ngày nay... Rất quen thuộc ở những người nổi tiếng, có tiền, có quyền, có máu mặt... Khệnh khạng vung vít, thiếu khiêm cung và dư ngạo mạn. Một thói quen lây lan đã được xã hội hoá? Hay tính nết bẩm sinh? Thật đáng ngờ!
Có điều chắc chắn sau cơn đại dịch viêm phổi Vũ Hán, thế giới sẽ ko còn tin vào sự dối trá thâm căn của người cộng sản, đặc biệt cộng sản Trung Quốc.
Nhạc sĩ Jacques Brel lúc sinh thời đã từng hát: "chúng ta ko quên gì cả, chỉ quen đi thôi".
"On n'oublie rien, de rien, on s'habitue, c'est tout!"
Còn mình, cũng phải dứt khoát bỏ một thói quen ... thói hút thuốc lá buổi sáng khi mới thức dậy!
Nói bao nhiêu lần!
PN. 14/4/2020 mùa giãn cách xã hội

2
XUỐNG CHỢ
Nhà hết rau củ quả mình phải xuống đường đi chợ. Trong chung cư có cái Vinmart sang trọng mở cửa suốt ko đóng. Chuỗi kinh doanh tiện ích này chắc của dòng họ Vin như Vincom, Vinpearl, Vinfast v.v... Nghe đâu ông chủ là tỷ phú đô la giàu có nhất VN... Nhưng mình ko vào, cấm túc cả tuần cuồng chân nên muốn đi xa xa ra chợ trời... Chợ kiểu xưa buôn thúng bán mẹt mời chào í ới.
Đường xá vắng tanh như ba ngày Tết. Mọi thứ đều đóng cửa, cà phê, quán nhậu im ắng lạ thường. Mình thích nghĩ đến ba ngày Tết hơn là cách ly thời cô Vy của xã hội hôm nay.
Cũng cảm thấy vui vui.
Chợ ngay cạnh nhà. Vẫn có xe bánh mì thịt trên vỉa hè với loại bánh mì sg đặc ruột ba ngàn một ổ!
Gọi là chợ trời nhưng chỉ hơn chục quầy hàng thiết yếu cho các bà nội trợ quanh đây. Thịt cá có đủ. Bày cả ra đường, mặt đất.
Mình ghé vào hàng rau có bà già ngồi khúm núm, vui vẻ khi thấy nhiều người qua lại.
Lâu rồi ko ra chợ chẳng biết mua bán ra sao... để nhìn xem ... Có cô gái ngồi xe gắn máy đậu cái xịch bảo cho hai quả chanh ba trái ớt, một chị béo béo chen vào mua ba ngàn giá sống hai ngàn hành ngò. Rồi tự nhiên ở đâu khách ập đến ... Trái này bao nhiêu? cái kia bao nhiêu? làm bà già liền tay gói ghém, đếm tiền và thối tiền.
Đành đứng sang bên nhìn ngó chờ đợi...
Người VN hình như ko biết làm đuôi hay chờ đến phiên mà mạnh ai nấy nói, mặc cả, vội vàng, đến sau nhưng muốn mua trước, làm bà già cuống quýt, mừng rên.
năm phút sau mình mới nhặt đc một bông cải, hai củ cà rốt, một brocolie, một trái thơm, dân bắc gọi là quả dứa.
Lúc trả tiền bà già cho thêm một bó ngò với vài cọng hành, còn hỏi có muốn ớt cay miễn phí?
Bà nhìn vào bao Ny lông bảo: Ông mở hàng đắt khách, rõ ràng bà vẫn biết người khách đầu tiên là quý, và cười tươi thân thiện.
Về nhà, cây bông cải này chỉ cần bỏ vào bình đun nước sôi, bấm hai lượt là chín. Cũng có bát nước rau luộc tuyệt vời.
Cho giảm mỡ máu!
9/4/2020 mùa cách ly dịch bệnh

3
THIẾT YẾU TỪ ĐIỂN
Cách ly tập trung không phải là Giãn cách xã hội.
Giãn cách xã hội không phải là Phong tỏa.
Phong tỏa không phải là Giới nghiêm.
Giới nghiêm không phải là Ngăn sông cấm chợ.
Ngăn sông cấm chợ không phải là cấm ra đường.
Cấm ra đường không phải là cấm mua đồ thiết yếu.
Mua đồ thiết yếu không phải là mua bánh mì,
bao cao su,
hay băng vệ sinh,
mà mua trong danh sách những mặt hàng không cấm!
Không cấm không có nghĩa là không quản.
Mà cái gì không quản được thì sẽ cấm!
hiểu chưa?
SG tháng 7/2021

4
GIẢI CỨU
Tình hình có vẻ càng ngày càng căng thẳng, rối loạn. Càng test càng bị lây nhiễm. Con số mắc bệnh mỗi ngày đã tăng lên hàng trăm, hàng ngàn. Chẳng ai bảo, mình cũng tự cách ly cả tháng nay với phận mỏng cánh... chuồn chuồn!
Buồn.
Buồn trên ngọn tình sầu!
Buồn như cả nước đang dập dịch từ trên ngọn trên cành của đại dịch Cúm Tàu Vũ Hán, điểm xuất phát của con vi khuẩn biết tàng hình biến dạng độc ác như giặc kia. Dịch ló dạng ở đâu dập chỗ đó. Nhưng dập chỗ này nó ra chỗ khác... Lỗ hà ra lỗ hổng! Cả trăm địa điểm phong tỏa cũng ko xong.
Con vi khuẩn này đánh "du kích" giỏi hơn người vì nó biết tàng hình, hóa trang, hô biến, thiên hình vạn trạng như khỉ Tề Thiên, nó có khả năng "giải phóng" cả nước từ Nam chí Bắc.
Chắc chắn lúc đó cột đèn sẽ chạy đi chứ ko chạy về, như ai đó đã từng hồ hởi phấn khởi, chỉ thích hô hào khẩu hiệu lạc quan tếu!
Coi chừng "lợi thì có lợi nhưng răng ko còn"!
Dân nghèo sẽ chết đói trước khi chết vì dịch dã.
Vì VN đang tác chiến trên ngọn trên cành chứ chưa có thuốc diệt "giặc" tận gốc.
Khi đó, thế giới văn minh dần dà thoát được cơn đại hồng thủy bằng cách tìm ra Vắc Xin cho cả loài người ... Không hoảng loạn, không kèn trống, không khẩu hiệu, không loạn ngôn.
Họ biết dập dịch tận gốc dù đã có cả triệu nạn nhân Covid bỏ mạng trên toàn cầu.
Với tư duy khoa học, dù chưa xác minh được "thủ phạm" là ai trong cuộc chiến thiện ác, nhưng họ đang cố gắng tìm cách giải cứu nhân loại, không phân biệt giàu nghèo, vùng miền, sắc tộc, Cộng/Quốc.
Còn VN?
Quá tự mãn với thành quả dập dịch ban đầu, lạm phát khẩu hiệu duy ý chí, muốn đánh giặc nhưng ko có vũ khí, ko lo mua thuốc giệt dịch, giờ vẫn loay hoay ngăn sông cấm chợ. Chờ đươc viện trợ vắc xin, tiêm chủng. Chờ được năm châu giải cứu!
Rốt cuộc chỉ khổ cho dân!
Sg 7/7/ 2021. Mùa đại dịch cúm tàu Delta

5
AI Ở ĐÂU Ở YÊN ĐÓ
Có điều gì ... như niềm tuyệt vọng!
Giữa loài người và vi khuẩn Covid
Giữa thực tiễn và khẩu hiệu hô hào
Giữa đói nghèo và lợi nhuận dịch tễ
Giữa tâm thiện nguyện và lòng tham giả dối trục lợi.
Giữa khoanh vùng dịch bệnh bằng kẽm gai, vùng xanh, vùng đỏ nhưng dân nghèo bị bỏ đói...
Nhà nước cứu trợ trên truyền thanh, truyền hình, làm một đằng nói một nẻo, người bị lây nhiễm khắp nơi ko chỗ nương tựa, khả năng chết ko tiền mai táng nên dân hoảng loạn tháo chạy tự cứu lấy thân ... Vì ko còn con đường nào khác!
Đã có hơn bảy ngàn người chết trong đơn độc (con số chưa chắc đã thật) lúc trở về chỉ nhẹ bằng một bình tro cốt.
Để rồi cuối cùng dẫn tới tình trạng khẩn cấp Thiết quân luật !?
Chuyện gì đến sẽ phải đến.
Chưa thấy nước nào đem quân đội chống lại virus cho tới nay.
Hay chỉ có ở VN?
Nhưng nếu thật sự quân đội vào cuộc, chắc chắn ko chỉ vì con vi khuẩn Vũ Hán mà còn một mục đích ngăn ngừa mọi bất trắc có thể xảy ra.
Nạn nhân vẫn là người dân khi mắc bệnh và bị lây nhiễm. Chết đói hay chết dịch ... Ai là người chịu trách nhiệm?
SG 20/8/2021

6
NIỀM TIN
Xã hội VN đang hỗn loạn vì đại dịch Covid 19. Bọn lưu manh lừa đảo nổi lên như rươi, và luôn nói chuyện đạo đức đánh lừa người cả tin nhẹ dạ!
Vẫn phải sợ con Virus Vũ Hán và cảnh giác với bọn thừa nước đục thả câu như thầy lang, thầy bói, thấy tu, thầy cúng và vô số "thầy" chuyên nghề khoác lác, ban phát những niềm tin giả mạo. Như thuốc chữa ung thư giả cách đây vài năm. Như các loại thực phẩm chức năng đa cấp, như các cao đơn hoàn tán vô thưởng vô phạt. Cũng là một loại dịch bệnh chuyên bám theo sự mê muội của quần chúng để làm tiền. Điển hình như với "Thần y" kéo lưỡi trị bá bệnh, trị cả câm điếc bẩm sinh Võ Hoàng Yên, hay cùng lắm cũng cúng sao giải hạn ở chùa Ba Vàng.
Chỉ cần tin là đủ. Họ biết chắc như thế!
Sài Gòn thời "thổ tả" 9/8/2021

7
NƠI ĐÂY TÔI CHỜ!
Qua bốn tháng cách ly phong tỏa giới nghiêm, mình đã thực sự biến thành "pháo đài chống covid", và bị thần kinh tọa đau lưng, ê ẩm tê hết cả cẳng chân.
May mà chưa bị Thần Kinh thuần túy thứ thiệt nên chưa bị bắt vào bệnh viện tâm thần! May mà chưa biến thành người Rừng lao ra đường để bị truy lùng ngoáy mũi ...
Tự kiểm điểm thấy mình tuân thủ 5 K cũng khá tốt, tử thủ lòng vòng trong nhà với cơm nắm thịt chà bông đến độ nghiện nặng?
Tử thủ với giặc Netflix, ra phim nào giết phim nấy! Và đặc biệt thích phim tập vì có thể chiến đấu với nó bất kể ngày đêm ko còn biết trời trăng. Muốn đánh lúc nào cũng thắng.
Thỉnh thoảng xuống nhà mua bán cũng phải tử thủ nhìn ngang nhìn ngửa vì đâu cũng có thể núp lùm loại "giặc FO", chỉ cần ngửi thấy nó là mình thành "F1", dính chấu.
Thỉnh thoảng nhìn vào gương, từ trên xuống dưới, thấy cái gì của mình cũng teo lại. Thảm hại!
Có điều ngày ngày nghe chị Moon ra rả chửi cái bọn tham lam vơ vét hỗn quan hỗn quân: Dzĩ dzãng dzơ dzáy dzễ dzì dzấu dziếm !
Và thần đồng Vịt mười tuổi đang hăm he đọc hết Lê Nin toàn tập, đọc thay cho toàn đảng toàn dân thì mình cười muốn tắt thở, dzui thiệt là dzui!
Đúng hôn quý dzị ?
Sài gòn 26/9/2021. Nơi đây tôi chờ hết phong tỏa.

8
VỪNG ƠI MỞ RA!
Càng ngày càng nhiều nhà khoa học trên thế giới và người dân ý thức được rằng phải sống chung với Coronavirus và các biến thể của nó. Như con người đã từng sống với Dịch hạch, Sida, Cúm mùa. Chỉ có thể giới hạn tối đa tử vong bằng tiêm chủng toàn dân và một hệ thống y tế dự phòng đầy đủ, vững mạnh.
Vì ko thể diệt con siêu vi này tận gốc.
Khác hẳn với VN... Đang truy lùng bóc tách (với sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang), bắt xét nghiệm các F0 như bắt "giặc" tận hang cùng ngõ hẻm trên cả nước để cách ly tập trung, trong tình trạng vắc xin vô cùng khan hiếm, trang thiết bị y tế cạn kiệt ko đủ để phục vụ bệnh nhân và bệnh viện quá tải người chết ko kịp mai táng, (chưa kế bị phơi nhiễm "lây chéo" trong quá trình xét nghiệm cách ly).
Và tiếp tục vẽ màu, phong toả, ngăn sông cấm chợ toàn diện, một cách cực đoan với các thể loại giấy phép đi đường, ùn vào lây nhiễm cho tắc tị, gẫy khúc, đứt khúc cung ứng các mặt hàng nhu yếu phẩm, đẩy kinh tế cả nước đến suy sụp, thất nghiệp tràn lan, đẩy kinh tế vĩ mô đến cái chết lâm sàng ko ngẩng đầu dậy được... Và lãnh đạo mỗi người một phách. Đổ lỗi cho nhau.
Người dân từ Nam chí Bắc đang phải đứng về phe nước mắt. Hay phải hy sinh tất cả để liều sống!?
Ngày 15/9 tới đây sẽ là ngày tỉnh giấc mê muội, hay vẫn tiếp tục chính sách chống dịch duy ý chí ...đã được xếp hạng tệ nhất, hại nhất thế giới? (Nikkei Asia 121/121)
Trách nhiệm thuộc về ai? Thuộc về ban chỉ đạo chống dịch như chống giặc? Hay đã ngủ quên... đừng lay tôi nhé cuộc đời !!!
Vừng ơi mở ra!
Sesame ouvre toi!
Sài Gòn 8/9/2021. Mùa chống dịch bằng khẩu hiệu.

9
SAIGON SẼ LÊN ĐÈN
Hôm nay bắt đầu nới lỏng giãn cách, dẹp bỏ các chốt chặn nhằm phục hồi từng bước mọi sinh hoạt của TP.
Đường xá có vẻ nhộn nhịp hơn, ko còn vắng vẻ như trước. Chỉ muốn ra đường nhìn ngó phố phường Sài Gòn thân yêu đang dần cựa quậy lên đèn sau cơn đau nặng vì ko có thuốc thang, chính quyền chủ quan ko dự phòng. Vì một bộ máy cai trị chồng chéo với những con người bất tài nhưng kiêu ngạo và vô trách nhiệm.
Nên dịch bệnh vẫn kéo dài, lây nhiễm và tử vong vẫn chưa được khống chế.
Mình đành ngồi nhà, vả lại cái lưng vẫn còn đau nên đi lại ko được thoải mái.
Sài Gòn sẽ bình phục trở lại thôi như bao nhiêu lần hoạn nạn tai ương, bị cho lên bờ xuống ruộng, bị lột trần bỏ đói, bị ngăn sông cấm chợ, bị truy lùng bắt bớ ... Nhưng người dân Sài Gòn vẫn có một sức sống mãnh liệt cùng với cả nước ... Trong gian nan vẫn lá lành đùm lá rách. Vẫn kiên nhẫn, hiền hòa, trượng phu. Sài Gòn chịu đựng rất giỏi và sẽ lại nhộn nhịp lên đèn.
Ngồi trên tầng cao chung cư nhìn xuống, chỉ muốn được như một cánh chim bay vào không trung. Ra đường gặp bạn bè bằng hữu.
Sg 1/10/ 2021
Hơn bốn mươi ngàn người đã tử vong vì dịch Covid, trong đó có vài người bạn thân. Những người chết oan vì Kit Test vì thiếu thuốc men thì đã rơi vào quên lãng ...
Nhái tiểu thuyết của Marquez "L'amour au temps du Cholera"
(Tình yêu thời thổ tả)

Sài gòn 28/2/2024











Tuesday, February 27, 2024

The boss café







The boss café



The Boss café
Khi mới về VN cách đây đúng 21 năm. Mình đã mua lại một tiệm cà phê trên đường Lê Thánh Tôn... đối diện với Alliance Francaise cũ tại Sài Gòn. Khi xưa còn gọi là khu Đồn Đất...
Sống ẩn dật, cắt đứt mọi liên lạc với giới VNS và bạn bè ở nước ngoài. Chỉ lo làm ăn nuôi vợ nuôi con và chăm sóc mẹ già. Bắt đầu để tóc dài và mặc quần áo trắng cho đỡ lỉnh kỉnh. Thỉnh thoảng một vài hoạ sĩ Sài Gòn cũng ghé thăm...Đỗ Quang Em, Nguyễn Trung, Trịnh Cung... Lâm Triết có phòng tranh và sống gần đó trên đường Thái Văn Lung. Lần đầu gặp anh em Nguyên Hưng cũng tại nơi này. Nguyễn Huy Thiệp cũng ghé nhâm nhi cà phê khi từ HN vào thăm ông anh cư ngụ cách đó ba căn. Thời gian trải nghiệm một cuộc sống hoàn toàn khác biệt với Paris kéo dài 6 năm. Chấm dứt đúng vào ngày 30/4/2009.
Từ một ông thầy dạy học, làm chủ trường. Rảnh thì vẽ tranh, viết lách, trở thành chủ một tiệm cà phê bar ngay giữa trung tâm Sài Gòn. Thật sự là một cuộc đổi đời đầy căm go thử thách. Nhưng vui và rất nhiều kỷ niệm.

Mới đây trở lại xóm cũ, mới biết khu 8A Lê Thánh Tôn nay đã trở thành một khu ăn chơi, xa hoa tiêu tiền của người Nhật, kinh doanh nhộn nhịp sầm uất.
Thời gian qua nhanh. Khu Đồn Đất vắng tanh khi xưa trước 75 giờ là phố của người Phù Tang, người Hàn Quốc và khách du lịch. Nhà hàng quán bar đèn đuốc sáng choang, chân ngắn chân dài nhấp nháy!
Chủ nhân những khu phố này, ngày nay là những sỹ quan Hải quân cách mạng của ngày ba mươi tháng tư lịch sử.
Quả thật! Chẳng có gì tồn tại mãi mãi không thay đổi!
Nước vẫn qua cầu, ngày tháng qua đi, nhưng tôi vẫn ở lại... Nói như một nhà thơ Pháp.*
*(Vienne la nuit sonne l'heure
Les jours s'en vont je demeure)
G. Appollinaire

PN 25/1/2024










Friday, January 19, 2024

Thần tượng









Thần tượng





Ngưỡng mộ một nhân vật nào đó, một nhà văn, một nhạc sĩ, một triết gia, một chính khách, một diễn viên điện ảnh, một vị chân tu, hay đơn giản chỉ một nhan sắc tuyệt trần... là một ngưỡng vọng bình thường, chính đáng. Là một nhu cầu cần thiết hoàn toàn tình cảm cộng với lý trí, trong một cuộc sống văn minh có ý thức và văn hoá. Biết đúng-sai tốt-xấu tương đối rõ ràng. Đó là sự ngưỡng mộ những giá trị lành mạnh, đáng quý và hướng thượng.

Khác với những giáo điều ngu dân, mê muội không còn biết đâu là thật-giả tốt-xấu. Xã hội tràn ngập mê tín dị đoan, chỉ thích những chuyện hoang đường nhảm nhí và không phân biệt được đâu là sự thật, đâu là dối trá. Lạy lục khóc lóc trước một thần tượng được tôn thờ như thánh sống đủ bảy màu sắc. Một cộng đồng người chỉ đặt Quyền và Tiền làm thước đo giá trị trên hết, ưu tiên cho những kẻ giỏi mưu lược lèo lái như bọn trùm mafia, bọn ma tăng tôn giáo, bọn triết gia, chính khách giả hiệu, bọn nói một đằng làm một nẻo là một xã hội đang băng hoại toàn diện, đang tuột dốc đạo đức một cách tự do.

Ai đó đã từng nói xã hội chỉ có ba hạng người đáng quý và đáng trọng. Thứ nhất là hạng người biết Sáng Tạo, thứ nhì là hạng người biết Tổ Chức, thứ ba là hạng người biết Ngưỡng Mộ hai loại người kể trên.

Nhưng ngưỡng mộ ai, ngưỡng mộ những điều gì, lại là một câu hỏi tế nhị không đơn giản, nó đòi hỏi trình độ ý thức và niềm tin có suy nghĩ, trên một nền tảng giá trị văn hoá nhất định.
Mê muội tôn thờ một thần tượng giỏi lèo lái và giả trá là một tai hoạ khôn lường có thể kéo dài cả thế kỷ!
Tai hoạ cho cả một đất nước, cho cả một dân tộc.

PN.19/1/24











Monday, January 1, 2024

Hoa Giấy





Hoa Giấy



Năm nay mình ngủ vùi rất sớm, không nhậu nhẹt, không rượu chè, không đón đưa tân cựu gì cả. Thức dậy lúc hai giờ đêm, đêm đã vắng, yên tĩnh, có lẽ mọi nơi tiệc tùng đã tàn, một nửa trái đất đã lật trang. Một tờ lịch đã lạnh lùng rơi với thời gian của người. Chỉ loài người thôi vì làm gì có chuyện mới cũ thời gian trong vũ trụ!
Quả tinh cầu xanh kia vẫn cứ nhẹ nhàng quay tròn cho bốn mùa mưa nắng, cho bình minh rồi hoàng hôn, với sao Hôm sao Mai lơ lửng giữa bầu trời ngoài cửa sổ. Vũ trụ vẫn cứ lững lờ trôi để xoá nhoà tất cả mọi sự trên thế gian mà chẳng ai làm gì được.
Nhìn ra ngoài balcon, một chùm Hoa Giấy đã nở một mình, trong đêm, như thì thầm "đừng cuồng điên mà mơ trăm năm sau nhé" ... Hay chỉ là trăm năm cô đơn của một ông già với biển cả?
Có lẽ vì thế, giàn hoa giấy nhà mình thường xuyên nở hoa, nở quanh năm, an nhiên tự tại, đủ màu đủ sắc, chẳng cần biết đến thời gian nhanh hay chậm là gì!
Có điều mình không hiểu tại sao nó có cái tên rất mộc mạc, nhẹ nhàng và giản dị đến thế ...

Hoa Giấy!
Ta chào em!

Chụp gởi tặng bạn bè khắp năm châu

PN khai bút đầu năm 1/1/2024















Nói Chuyện Với Tách Cà Phê