Total Pageviews

Saturday, February 27, 2021

Khai bút với phây búc!



















Khai bút với phây búc!



Mọi cuộc vui rồi cũng qua đi. Ăn chơi nhảy múa xong rồi. Rượu chè cũng đã be bét. Bạn bè cũng đã ứ hự. Thức dậy cứ tưởng mình còn lơ lửng trên mây ... Mà hình như vẫn ở trên mây chứ còn gì? Mọi người vẫn chúc nhau an vui vạn vạn tuế đó thôi!
Nên sáng nay mình làm một ly cà phê sữa bất thường cho nó ngọt và cảm thấy yêu đời. Và châm thêm một điếu thuốc vui với cái vui của thiên hạ khắp Năm Châu. Cứ ở trên mây cho ai muốn kéo đi đâu mặc kệ. Mây muốn đi đâu về đâu cũng chẳng sao. Miễn tâm hồn ta tự do thoải mái dù ai có muốn uốn nắn trói buộc.
Giáng Sinh và Tết Tây đã qua ... một năm mới lại đến ... nhưng chúng ta vẫn ở trên mây phê tê bốc ... vậy ai có Phây dùng Phây, ai có Nét dùng Nét, ai ko có thì dùng Bờ Lốc cũng được ... Có gì dùng nấy, cùng lắm toàn dân còn có Mét xen dơ, meo, vai bờ, za lô.
Vậy chúng ta hãy tiếp tục phây phây nhé!.
Bi ơi đừng sợ !

Sg 01/01/2019










Thursday, February 4, 2021

Hạt bụi li ti.

 











Hạt bụi li ti.


Với vài người bạn cũ từ thời còn trai trẻ, ba chai champagne, thêm mấy chai rượu đỏ được mở trong đêm giao thừa kết thúc năm Covid thứ nhất!
Pháo hoa vẫn đì đùng bên kia sông nhắc nhở thời khắc giao mùa, và ước mong tân niên hạnh phúc bình an.
Ngà ngà men say, ngồi lẩn thẩn nghĩ đến những mốc thời gian, niên giám của đời người và đời mình, chợt thấy bạn bè bằng hữu lần lượt lên chuyến tàu suốt cũng khá đông!
Ra đi không trở lại.
Có ai ngờ hai mươi năm của thế kỷ 21 đã trôi đi. Qua như tên bắn! Hình như càng lớn tuổi thời gian càng qua nhanh! Vì chính mình đã dừng chân tại chỗ?
Hai mươi năm đầu đời hoa mộng khi tóc còn xanh, trưởng thành ở miền Nam với Sài Gòn Hòn Ngọc Viễn Đông. Rồi ba mươi năm dài lặn lội học tập sinh sống ở nước ngoài, lập thân tại Châu Âu. Paris Thủ Đô Ánh Sáng ... Đến khi trở về thì tóc đã hoa râm cùng thiên niên kỷ khác.
Giờ đây ... ra đường ai cũng gọi bằng ông bằng cụ vì râu tóc đã bạc phơ ... Lười chẳng muốn nhuộm.
Tối nay ngồi quanh vài bạn hữu, mình có cảm tưởng như đang ngồi ngược chiều trên chuyến tàu điện ngầm của thời gian, nhìn kỷ niệm vùn vụt lướt qua khung cửa sổ... Lướt qua những con đường cũ xa xưa nay đã đổi tên cùng xã hội đỏ đen mờ ảo. Những góc đường không người thân quen vẫn còn đó nhưng khác lạ và quái lạ ... Nơi này "ko phải vẫn thế" nhưng vẫn nao lòng với tiếng gà gáy giữa trưa hay tiếng rao hàng ngân xa trong ngõ vắng.
Không thể nào tách rời quá khứ với hiện tại. Tất cả là hình bóng đã từng thực sự trôi qua, không gian tái hiện song song, chập chùng, cùng lúc... cũng chẳng nhớ nhung, tiếc nuối hay ngạc nhiên ... nhưng cảm giác mọi điều hình như đã xong xuôi, đã hoàn tất ở cuối chân trời bàng bạc xa lơ xa lắc.
Cũng lạ! ... lạ hơn một giấc chiêm bao!

Và như thế mình đã trở về nơi này được hai mươi năm.
Hai mươi năm. Dài bằng cuộc nội chiến tương tàn với vài thế hệ thanh niên chưa biết mùi đời đã bị lùa ra trận, tuyệt diệt mọi ước mơ và sự sống bằng bom đạn và khói súng ... Cho thù hận thêm sâu, xương máu thêm chất ngất bên những tượng đài vô danh sừng sững! 
Nạn nhân và thủ phạm! 
Thống nhất giang sơn nhưng không thống nhất được lòng người!
Vì sao? Vì đâu? Để làm gì?
Hai mươi năm. Cũng đủ để ta chạy một lượt vòng quanh trái đất khi đưa đón con đến trường. Vượt bốn mươi ngàn cây số bụi đường để nhìn thấy con trẻ lớn lên thành người. Mong sao cho chúng thành người văn minh tử tế!
Hai mươi năm. Cũng là quãng thời gian đủ để những phận đời móc xích vào nhau cho vui vầy cuộc nhân sinh, cho lên cao, cho xuống thấp ... rồi hợp tan tan hợp!
Không lẽ chỉ vài cuộc tình mê đắm lưu lạc, với vài ước vọng dở dang là hạ màn rồi ư?
Dù trăm năm, cũng có là bao đâu nhỉ? Những hạt bụi li ti ... trong gió!

PN. Khai bút đầu năm 2021












Biển Sóng Về Đâu?

 












Biển sóng về đâu?



Đứng trước biển...
mới thấy cuộc đời là phù du! nhỏ bé! 
Tựa ánh que diêm trước cơn gió lộng, vù vù bên tai từ ngàn năm trước ... 
Và ngàn năm sau vọng về.
Đứng trước biển...
dõi mắt đến tận chân trời xa tít tắp mới thấy những đợt sóng vỗ của đời người là hữu hạn.
Ngọn sóng nào rồi cũng tan, cũng loãng.
Đứng trước biển...
lúc đêm đen mới cảm được sự trống vắng của vô cùng.
Sau cái vô cùng là ... Hư vô!
Chẳng còn bóng tối và ánh sáng, chẳng còn gì nữa!
Đứng trước biển...
mới cảm thấy sự sống chỉ là hơi thở phập phồng rất nhẹ của muôn loài.
Của vạn vật co giãn.
Của cả vòm trời vũ trụ mênh mông.

Bước qua cửa tử ... là đứng trước biển với sóng vỗ rì rào miên man bất tận...
với một luồng hơi lạnh đang tan dần, loãng dần trong máu .
Biển sóng về đâu?
Về cõi thinh không im lặng.

Sg . 31/12/2019. kỷ niệm một cơn nhồi máu cơ tim.
Phan Nguyên









Superman

 






Superman


Hồi còn bé mình hay nghe nói ra ngõ gặp đàn bà là xui xẻo mà đàn bà mặc quần đen thì đời sẽ xui như mõm chó !
Và rồi có thời gian người ta bảo ở VN ra ngõ là gặp nhà thơ ... đi đâu cũng gặp nhà thơ đủ nam nữ và chỉ một trường phái ... một đất nước của thi ca và bom đạn...của tiếng hát át tiếng bom ...của năm tấn thóc góp phần đánh Mỹ.
Và rồi lẽ đương nhiên đến giai đoạn ra ngõ gặp nhan nhản những anh hùng! Bế Văn Đàn, Võ thị Sáu, Lê Văn Tám vv ? Đi đâu cũng gặp anh hùng liệt sĩ!
Nhưng liệt sĩ là khi có chiến tranh được làm vua thua làm giặc. Nó có cái lý của nó!
Mấy hôm nay tâm lý chung có vẻ ra ngõ là gặp "hiệp sĩ đường phố" và hình như "loại hình" này sắp được mặc áo giáp, trang bị roi điện như công an chìm... để bắt cướp ... để đàn áp? Xã hội ngày càng bạo lực, bạo loạn nên phải công an hóa toàn dân?
Cách đây chục năm mình có đọc bài báo đưa tin một cậu bé Mỹ đã phóng mình ra cửa sổ khi đeo mặt nạ và áo choàng superman. Cậu ta đã rơi từ trên cao xuống đất như một "hiệp sĩ".
Hay cứ bán súng tự do cho dân chúng tự vệ như bên xứ cờ hoa giẫy chết nhỉ !?
ps/ Họ bán súng tự do nhưng họ cấm anh tự làm luật, làm "hiệp sĩ" ... bắn bậy bạ anh cũng bị tử hình như chơi!

Phan Nguyên







Bỏ Thuốc Lá?

 












Bỏ thuốc lá?


Mấy ngày nay mình đang đấu tranh quyết liệt với ... Thuốc lá.
Sống chung với nó hơn 40 năm ... Chia tay với nó gần chục năm ... Vậy mà chỉ một phút lơ là mất cảnh giác... Nó quật lại mình từ năm ngoái đến năm nay! ...Hút càng ngày càng nhiều đến độ chụp hình phối thấy một vệt trắng... Chưa biết là gì! ... Ung thư hay ko?
Sáng nay ngồi cf thấy bàn bên cạnh có bao Dunhill đỏ thật hấp dẫn... Khách rút điếu thuốc thon dài thật đẹp và châm lửa nhả khói thơm phức... Mình xin một điếu. Nhưng chỉ để ngắm nghía mà ko đốt! Thật tình... Làm người "tử tế" cũng rất khó! Làm sao mà bỏ "đảng" được đây!?
Sg 11/01/2018
PN







Nắng Trong Veo

 






Nắng trong veo


Buổi sáng cho con đi ăn sáng ... nắng còn trong veo giữa Hà Nội và nhà mình ở ngay sau lưng Văn Miếu ... chỉ cần băng qua phố Nguyễn Thái Học là đến tiệm bún chả của một bà Bắc răng đen ... đầu chít khăn mỏ quạ ...
Hai cha con bước vào theo lời mời của bà cụ đang ngồi nhai trầu trước cửa ... thực ra cách đây mươi hôm mình đã ăn thử chỗ này rồi ... cũng được ... bán cho du khách tham quan Văn Miếu.
Một bát bún chả bình dân kiểu bắc chính cống 50 ngàn là đúng giá và lương thiện. Thường thì mình hay ăn bún chả ở phố Sinh Từ nổi tiếng từ lâu ... là nói hiện tại chứ khi xưa thời bác Trần Dần chỉ có cờ đỏ và mưa sa làm gì có bún chả! ...và hình như món này ở Giảng Võ rẻ và ngon nhất.
Nhưng sáng nay ăn xong tính tiền bà cụ đòi 180 ngàn hai bát... tính cả nước uống vẫn đắt hơn lần trước. Mình ngạc nhiên. Hay họ đã nhận ra mình là dân Sì Gòn?
- Sao đắt vậy cụ?
Bà cụ nghiêm nghị trả lời:
- Cái gì cũng có cái giá của nó bác ạ !
Và cầm chổi lom khom quét rác hất ra đường ... Mình ko dám hỏi gì thêm ... chỉ liên tưởng đến cái trạm "thu giá" Bê ô tê của ông Thể tai tiếng mấy hôm nay ...
Dù sao mình vẫn thích món bún chả Hà Nội! Lần sau sẽ tìm bún chả Obama!
Hà Nội giờ này nắng ko còn trong veo như lúc nãy ...

Sg 03/06/2018
Phan Nguyên







Miệt Thị

 






Miệt thị!


Sáng nay thức dậy pha tách cà phê lại nghe các "phây nhân" đang bàn về giáo dục.
Chưa bao giờ thấy đất nước nào coi rẻ nghề nhà giáo, miệt thị nghề "trồng người trăm năm" như đất nước này!
Lấy điểm đầu vào thật thấp 9 đến 12,5 để vào sư phạm, để trở thành giáo viên.
Nữ giáo viên phải tiếp bia bọt quan chức khi lễ lạc để lấy điểm "chính trị", nếu chằng may bị hiếp dâm thì phải "xem lại mình" chứ ko được đổ thừa!
Sách giáo khoa thay đổi xoành xoạch khiến học sinh và phụ huynh chóng mặt, có khi vừa mua sách cũ xong đã đổi sách mới vì các bác sẽ kiếm thêm vài trăm tỷ.
Ngược lại có thí sinh đạt điểm 30/3 vẫn ko vào được đại học? ... Để khuyến khích các "nhân tài" vào học ngành công an!?
Các "chuyên gia" ko ngừng bàn về giáo dục, hoạch định chương trình giáo dục chiến lược cho tương lai ... Họp hành thôi cũng tốn bạc tỷ! Cứ mong sao sáng tác, sáng tạo được cái "ngọn" nào đó... Mà quên mất cái gốc của vấn đề giáo dục : là Thể Chế!
Và còn nhiều thí dụ nữa !
VN tụt hậu cả trăm năm, thế giới đã thử nghiệm các cách giáo dục và cải cách ko ngừng... Chúng ta chỉ cần phát huy khả năng " bắt chước " một nước văn minh nào đó trong vùng là đủ mở mặt mở mày ra rồi!
Mong lắm thay..

SG 14/08/2018
Phan Nguyên







Ăn Theo

 






Ăn theo ...


Sáng sớm trời Vũng Tàu thật mát, mình và ND xuống đường lúc trời còn tối, ko quên cái thú café vỉa hè khi thành phố còn ngái ngủ.
Tạt vào quán café chỉ có một bàn và bốn ghế nhựa, được cô chủ quán gọi bằng "Ông" bỏ quên chữ "Cụ". Anh chồng xà lại ngồi bắt chuyện dưới ánh đèn Néon trắng nhờ còn hắt xuống.
Sáng nay mọi người đều bàn tán chuyện bóng đá, xúc miệng bằng chuyện đội tuyển VN vào tứ kết Asian Cup thật vui.
Vũng Tàu bây giờ rất nhiều người Bắc 75 ... đâu cũng thấy râm ran giọng Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội. Một bà vừa đi tập thể dục ghé vào "Ối giời! hôm qua mình muốn rớt tim ra ngoài ! Nhưng sướng rồi ! Vào tứ kết rồi! Ngừng lại hít thở một vài hơi "thằng TQ đá xấu quá, nó thắng Thái Lan, nhưng nếu gặp VN cũng sẽ chết!"
Câu chuyện sáng sớm quanh quẩn lan ra chuyện huấn luyện viên là người Hàn ko phải người mình. Tiếc. Bầu Đức bị đuổi ra vê ép ép vì ko có bằng cử nhân. Bây giờ chị Ngân anh Phúc đứng ra vỗ tay bảo trợ thì bố bảo đứa nào dám tham nhũng hihi!
Tối qua mình cũng xem bóng đá.
Đội tuyển VN thắng Jordanie ở phút luân lưu mình cũng thích, cũng thú! Thích thú chứ tại sao ko?
Nhưng rồi mấy anh bình luận viên của VTV ôm nhau hát "như có bác gì đấy trong ngày vui đại thắng" thì mình thấy thối! Thấy hợm, vô duyên!
Hãy trả lại bóng đá cho thể thao, ko phải trò chính trị rẻ tiền, ăn theo!
Xã hội dân sự mà!
Tiếng ò e của kèn xe đám ma vừa đi qua còn đọng lại trên tách café ... và trời đã sáng.

Vũng tàu
21/01/2019
Phan Nguyên







Va Chạm

 





Va Chạm


Tuổi mình ra đường chạy xe bây giờ nguy hiểm thật, phản xạ ko còn như xưa, rủi ro ko phải chỉ trước mặt mà tứ phía. Thật vậy, ra đường phải nhìn trước nhìn sau, cảnh giác từ xa, rất xa ... Xem có anh hùng Núp đâu đó, vô cớ thổi còi xét giấy vòi tiền! Rồi nhìn chừng hai kính chiếu hậu vì sẽ có xe vượt qua mặt sát hông với tốc độ chỉ quệt nhẹ là tai ương toi mạng.
Trước mặt cũng cẩn thận với mấy tay thích chạy ngược chiều, hay bộ hành qua đường cắt ngang cắt dọc cực kỳ tùy hứng.
Thỉnh thoảng cũng phải nhìn trời vì vật lạ có thể rơi xuống từ một toà nhà đang xây dở dang. Mình đã từng nhìn thấy một thanh sắt rơi vào đầu người lái xe cách vài thước. Dù có mũ bảo hiểm, nạn nhân cũng lộn nhào bất tỉnh nhân sự.
Tất cả tai nạn vẫn có thể tránh được nếu bạn còn trẻ, còn tinh mắt và ...nếu chưa tới số! Chứ khi sát thủ bốn bánh tông từ đằng sau, cán văng mọi thứ đang đậu đèn đỏ thì chỉ có... chầu Diêm vương.
Chuyện xảy ra khá nhiều lần vì tài xế say xỉn hay người đẹp đạp nhầm bàn đạp, thế thôi! Làm nhiều người chết oan, chết uổng, rất lảng xẹc... chỉ có ở xứ Vịt!
Sáng nay mình mới bị "va chạm" tí nữa là què tay ... một anh trai vượt qua mặt bất chợt tông vào cùi chỏ đau điếng còn trợn mắt nhìn "Đi gì kỳ vậy bố".
Cũng may xe đang chạy chậm! Mình chỉ loạng choạng tay lái chứ ko ngã.
Báo hại về nhà thành độc thủ đại hiệp, chỉ cử động được tay trái, tay kia bất khả dụng chưa biết đến khi nào, đau nhức suốt đêm ko ngủ được.
Không ngủ được bực mình nên viết mấy dòng để xả xui ... !
Ở tuổi mình nên ngồi xe có tài xế?

SG 18/11/2020
Phan Nguyên







Khung Đêm

 















Khung Đêm *





Tặng Nguyễn KB


(Khung đêm cửa gỗ khép)
K đến vào lúc nửa đêm hay gần sáng?
Chẳng hề gì!
Chỉ biết K đến với vẻ đẹp sắc sảo của loài thú mắt đen nhung.
Như thường lệ, K đến khi hắn làm việc vào những đêm mất ngủ bên gian nhà gỗ và ngồi cách xa trên mảnh chiếu lá, chân co chân duỗi, ngực để trần, căng tròn một màu da nâu sữa, bất động...
K đến vào lúc hắn đang tạt một vạt sơn đỏ tươi cùng mồ hôi trong vắt xuống mặt vải, vung những nhát cọ như những nhát chém, thân xác chẻ đôi, đong đưa như vượn trên khung vải trải ngay giữa nền nhà bóng lạnh...
K không ngạc nhiên trước những nhát cọ sắc gọn, nhưng lạ thay ... vẫn không bật ra âm vang nào, tuyệt nhiên không một tiếng động, chỉ nghe nhịp tim dồn dập gấp rút đuổi thời gian còn tất cả vẫn là khoảng không im lìm, hụt hẫng.
Chất dầu hăng mùi sinh lực hắn vãi trên mặt đất tan thành một vùng khổ hạnh triền miên không dứt.
Và từ xa... K dõi theo những ý tưởng buông rơi thành một vũng đen vô vọng ... cứ ngỡ tuyệt chiêu, nhưng rồi tan biến.
Không thể nào!...
Toàn thân bỏng rát, mạch thái dương căng thẳng.
Bất thần hắn trở cán cọ nhọn hoắt như dao đâm một nhát vào cái vũng đen ấy, rồi liên tiếp, hụt hơi, mệt nhoài...
Hắn bật người đứng dậy, cảm nhận rất rõ chất lỏng trên tay đang từ từ đặc quánh rồi ngả sang màu đỏ bầm.
Màu đỏ của máu...
Nhưng giờ thì K nằm trên mảnh chiếu lá, cặp mắt đen nhung không còn mở nữa với đôi môi vẫn mỉm cười... Đêm vừa hửng sáng nhưng vũng đen không khép lại mà cứ loang ra mãi như niềm đau sót khôn nguôi.

*
(Khung đêm cong màu xanh rêu)
Những năm sống thị thành tôi vẫn mơ có được căn nhà thoáng mát, chẳng cần nguy nga nhưng đủ để chứa vài trăm tác phẩm tôi quí hơn con đẻ từ bấy lâu...
Về đây sung sướng nhất với đồi núi bạt ngàn vây quanh, dân cư hiền lành như mây trắng, mọi gian ác ti tiện ở đời tưởng chừng cứ theo gió mùa tan thành sương khói quanh năm...
Tôi chiếm căn nhà bỏ hoang nửa gạch nửa gỗ ở lưng chừng đồi được hai mùa nắng, dân địa phương gọi là đồi voi phục vì từ dưới lên phải men theo hàng đá tảng màu đồng đen bóng nhẵn, từ xa có dáng đàn voi khổng lồ tiễn rồng bay về trời một thuở hồng hoang lạnh giá.
Dân gian còn cho là đá đẻ và đồn rằng cứ mươi năm lại xuất hiện vài tảng quanh đây, dọc bờ suối men chân đồi và xa hơn nữa rải rác về phía rừng Bằng Lăng tít tắp.
Không biết xác thực hay không nhưng những tảng đá nghìn cân vẫn trơ ra sương gió, cam phận hình hài nặng kiếp với thời gian.
*
(Khung đêm hằn dấu tích)
Nhưng thời gian là dấu tích hằn sâu trên thân xác ngà ngọc của K. Hắn biết, trong cuộc nhân sinh này, không gì tồn tại mãi mãi, hãy say đắm cuồng nhiệt một lần rồi có ra tro bụi cũng đành.
Lần đầu gặp K bên dòng suối xanh róc rách xuyên qua rừng, hắn đã mưu toan chiếm đoạt một vật báu.
Với nhan sắc vừa độ xuân thì kia, sẽ là tuyệt tác để đời cho riêng hắn.
Một chiều nhiều mây, K nhẹ gót trên thảm cỏ lá, tóc chẩy dài trên vai thấp thoáng hai đầu vú nhỏ hồng. Vóc tiên hạc dạo chơi trong rừng chiều không ngờ có kẻ lạ đang ngắm nhìn từ xa.
Khi chạm mặt nơi dốc suối nàng ngước lên nhìn hắn, ngạc nhiên với đôi mắt đen nhung, mi đậm ướt rồi nhẹ nhàng lách sau những tảng đá... biến mất ...
Chỉ còn bốn bề xào xạc lặng êm, chỉ nghe luồng gió mát thốc lên từ phía suối và tiếng chim đập cánh bay xa ...
Hắn xanh xao tư lự từ dạo ấy, những mơ tưởng gặp lại đôi mắt đen nhung chỉ một lần, một lần thôi cũng thoả. Hắn lân la dò hỏi, nhưng chẳng ai nhớ hay từng gặp một thiếu nữ lạ lùng như thế.
Ròng rã, chiều nào hắn cũng trở lại dốc suối, khắc khoải một làn tóc mây trôi. Mọi người bảo nhau là hắn mê dại cuồng si và với khối tình cháy bỏng gỗ đá cũng phải mềm lòng thương cảm.

*
(Khung đêm mơ cánh chim đại bàng)
Đêm nay là đêm thứ chín.
Chín đêm dài bằng chín thế kỷ trần gian mà sao cứ như chớp mắt.
K lắc đầu thầm bảo tôi đừng đếm nữa, thôi đừng vạch ngấn thời gian lên vách gỗ căn buồng thoang thoảng mùi hoa ngâu, mùi của da thịt nàng.
K trườn người hôn lên mắt, lên má, lên môi để an ủi vỗ về mỗi khi tôi sợ trời lại sáng...
Đêm nay hơi lạnh, ngọn lửa bếp nhấp nhổm toả hơi ấm và rọi sáng những tấm lưng trần đang hối hả yêu nhau, tôi vuốt ve làn da óng mát mịn màng như tơ lụa phủ lên khắp người và ghì lấy từng hơi thở ngọt ngào trên môi...
K choàng cánh tay ôm lấy cổ tôi lật nửa vòng, rướn cong người với đôi mi khép rồi nấc lên đón lấy thứ hạnh phúc thuỷ tinh đang trào dâng... dâng mãi... dâng đầy...
Tôi vùi đầu vào ngực K như con trẻ, áp má lên hai bầu vú êm ái thiếp đi, ngoài hiên hình như gió vẫn rì rào thổi, cơn mưa đầu thu vẫn xối xả lên mái ngói từng hồi...
Trong giấc ngủ chập chờn tôi bỗng thấy mình bay bổng lên cao như chắp cánh, gió vù vù bên tai, ánh lửa bếp dưới kia đang nhỏ lại và xa dần...
Nàng nắm tay tôi bay cao mãi về phía chân trời tím bạc, và rõ ràng, đôi cánh chim đại bàng đang phần phật trong gió, xoải thân đưa tôi qua những khu rừng mênh mông, mênh mông, ngút ngàn...
Choàng tỉnh giấc khi trời sáng.
K đã ra đi từ lúc nào như mọi lần để trở về với hình hài cổ xưa, xa xa có tiếng chim kêu não nề và mùi hoa ngâu vướng vất đâu đây.
Qua khung cửa sổ, rừng mù mờ sương, mưa đêm ướt đẫm cả thung lũng khiến tôi một mình ngậm ngùi nhớ nước mắt K đã giàn giụa suốt đêm qua...
Khi biết tôi đang hoạ bức chân dung cho nàng lần thứ nhất.
*
(Khung đêm trắng ảo ảnh sa mạc)
Trọn một đời bôn ba, chưa bao giờ hắn hao mòn thể xác, bại nhược niềm tin đến thế!
Ngay buổi đầu chạm ánh mắt đen nhung, lòng hắn đã chơi vơi, mơ hồ cảm thấy danh vọng là gió thoảng mây bay, dường như, cả sự nghiệp sáng tác hơn mấy mươi năm cũng chỉ là ảo ảnh không tên giữa sa mạc trắng xoá.
Hắn tiếc thời gian đã vội vàng cướp đi tuổi trẻ tinh khôi và xót xa nhận ra rằng, đã chưa một lần thực sự yêu ai ...
Nhưng K đã trở lại dốc suối một hôm hắn chỉ còn da bọc xương, gục đầu trên phiến đá mê man quên cả đường về, K dìu hắn lên nhà đồi ân cần chăm sóc, mài thân làm bột hoà với nước suối cho uống.
Vài tuần sau hắn mới hồi tỉnh, da dẻ hồng hào và sức khoẻ gần như bình phục.
Hắn vui sướng ôm K vào lòng khi biết nàng chính là chủ nhân của căn nhà nửa gạch nửa gỗ bỏ hoang, hằng đêm ngồi cạnh hắn, tỏ tường mọi nỗi buồn đau như mảnh tâm linh trong suốt từ ngàn năm vọng về...
Rồi hắn yêu K như chưa bao giờ được yêu, làm tình với K như chưa từng được làm tình, quên cả ngày đêm.
Hắn chiều chuộng từng tấc da tấc thịt, nâng niu từ gót chân đến ngọn tóc và mê mẩn nhất, ba ngấn tròn đỏ son như đeo vòng ở cổ chân, khác người.
Có lần hắn gặng hỏi nhưng K cũng chỉ cười.
Trên cõi đời này chắc chắn chẳng còn ai, chỉ còn K và hắn với mùa thu đang đến.

*
(Khung đêm không gian màu hổ phách )
Chỉ còn tôi với nàng và mùa thu rực lửa trên từng ngọn lá.
Thu đến đột ngột lạ kỳ.
Mới hôm qua đồi núi còn xanh rì mà nay đã lung linh vàng đỏ, ửng cả khung trời.
Tôi ngỡ không gian đang thay màu đổi sắc để vui cho cuộc tình dài mãi trăm năm, cho dòng suối xanh chẩy xiết trong tâm hồn và cho những giọt rượu nồng ngấm ngầm say trong từng huyết quản.
Tôi yêu K tha thiết, nhưng K lại chan hoà nước mắt khi tôi nhất định giữ lại nét dung nhan của nàng, để cho đời sau, bằng đầu ngọn bút.
K khóc nhiều cả đêm đến sáng, nhưng rồi cũng nguôi ngoai với vẻ độ lượng, cảm thông, cam chiụ.

*
(Khung đêm hố đen sâu thẳm)
Nhưng giờ thì hắn hiểu, K là hiện thân của chuỗi thời gian đã mất, là tiếng kêu thương của rừng thiêng nguyên thuỷ vọng về, là vẻ đẹp hồn nhiên thơ dại hiển hiện trong mộng tưởng, từng đêm, hắn khát khao vươn tới nét chân thật, nét tuyệt mỹ của con người.
Nhưng hắn không thể giữ được nét dung nhan huyền ảo của đại ngàn hoang vu.
Khi cặp mắt đen nhung đã khép với đôi môi vẫn mỉm cười, hắn biết nàng đã ra đi vĩnh viễn.
Hắn vừa mất đi trong đêm đen điên cuồng một kiếp hồn thạch đá hiển linh.
Hắn đau lòng thương tiếc, rồi nhất quyết nổi lửa đốt căn nhà bỏ hoang cùng toàn bộ tác phẩm mấy mươi năm hết lòng gìn giữ...
Hôm ấy, đất trời màu tro u ám rồi cơn mưa bất thường đổ xuống như thác lũ.
Hắn cõng xác K lao thẳng xuống đồi, biệt tăm vào rừng sâu thăm thẳm.

***
Trên đống tro tàn bên sườn đồi voi phục, ngày nay sừng sững một tảng đá nghìn cân màu đồng đen bóng nhẵn, ba ngấn tròn đỏ son chạy vòng quanh như ba vòng kim cô siết chặt đời người.

Phan Nguyên
Paris 1999 - Saigon 2019

(*Truyện ngắn viết năm 1999. 20 năm sau đọc, sửa lại lần cuối lấy tên "Khung Đêm". Văn bản này xóa bỏ, thay thế những văn bản cũ.)
PN. Sàigon 15/1/2019








Xuống Chợ

 















Xuống chợ


Sáng nhà hết rau củ quả mình phải xuống đường đi chợ. Trong chung cư có cái Vinmart sang trọng mở cửa suốt chứ ko đóng. Chuỗi kinh doanh tiện ích này chắc của dòng họ Vin như Vincom, Vinpearl, Vinfast v.v... Nghe đâu ông chủ là tỷ phú đô la giàu có nhất VN... Nhưng mình ko vào, cấm túc cả tuần cuồng chân nên muốn đi xa xa ra chợ trời... Chợ kiểu xưa buôn thúng bán mẹt mời chào í ới.
Đường xá vắng tanh như ba ngày Tết. Mọi thứ đều đóng cửa, cà phê, quán nhậu im ắng lạ thường. Mình thích nghĩ đến ba ngày Tết hơn là cách ly thời cô Vy của xã hội hôm nay.
Cũng cảm thấy vui vui.
Chợ ngay cạnh nhà. Vẫn có xe bánh mì thịt trên vỉa hè với loại bánh mì sg đặc ruột ba ngàn một ổ!
Gọi là chợ trời nhưng chỉ hơn chục quầy hàng cần thiết cho các bà nội trợ quanh đây. Thịt cá có đủ. Bày cả ra đường, mặt đất.
Mình ghé vào hàng rau có bà già ngồi khúm núm, vui vẻ khi thấy nhiều người qua lại.
Lâu rồi ko ra chợ chẳng biết mua bán ra sao... để nhìn xem ... Có cô gái ngồi xe gắn máy đậu cái xịch bảo cho hai quả chanh ba trái ớt, một chị béo béo chen vào mua ba ngàn giá sống hai ngàn hành ngò. Rồi tự nhiên ở đâu khách ập đến ... Trái này bao nhiêu? cái kia bao nhiêu? làm bà già liền tay gói ghém, đếm tiền và thối tiền.
Đành đứng sang bên nhìn ngó chờ đợi...
Người VN hình như ko biết làm đuôi hay chờ đến phiên mà mạnh ai nấy nói, mặc cả, vội vàng, đến sau nhưng muốn mua trước, làm bà già cuống quýt, mừng rên.
năm phút sau mình mới nhặt đc một bông cải, hai củ cà rốt, một brocolie, một trái thơm, dân bắc gọi là quả dứa.
Lúc trả tiền bà già cho thêm một bó ngò với vài cọng hành, còn hỏi có muốn ớt cay miễn phí?
Bà nhìn vào bao Ny lông bảo: Ông mở hàng đắt khách, rõ ràng bà vẫn biết người khách đầu tiên là quý, và cười tươi thân thiện.
Về nhà, cây bông cải này chỉ cần bỏ vào bình đun nước sôi, bấm hai lượt là chín. Cũng có bát nước rau luộc tuyệt vời.
Cho giảm mỡ máu!

9/4/2020 mùa cách ly dịch bệnh
Phan Nguyên








Wednesday, February 3, 2021

CHAT Với Quá Khứ

 








CHAT với quá khứ




Về K.O

Một tiếng chuông rơi thánh thót lúc nửa đêm. Màn hình bật sáng.
...
- Anh! ... Em sẽ qua gặp anh ...
- Qua được không? Anh ở đây vài tuần... rồi đi Vienne!
- Em sang thăm vợ chồng con trai em luôn thể
- Chúng nó ở đâu ?
- Ở ngay thành phố anh đang đến.
...
- Em đã tưởng không bao giờ gặp lại anh nữa. Đã chết từ lâu rồi!
- Lâu quá rồi, mấy chục năm rồi nhỉ ... chỉ còn nhớ một khuôn mặt hiền lành duyên dáng năm em 16 tuổi.
...
- Hôm ấy anh đã nhìn ra em ngay, chỉ sau vài tích tắc! Với cái nốt ruồi ở khóe môi
- Em cũng thế, dù tóc anh đã bạc trắng, rơi rụng nhiều và già đi ... nhưng anh vẫn là anh của 50 năm về trước. Em nhận ra ngay.
- Anh không tưởng tượng nổi... tình cờ đối mặt nhau trên đất nước Cờ Hoa này, không hẹn mà đến, nếu không thì ...
- Thì sao anh?
- Em phát tướng mệnh phụ rồi đấy ...
- Trời ! So sánh với năm em 16 tuổi sao được!
- Anh vẫn nhớ dáng em mảnh khảnh khi xưa, áo dài trắng Gia Long tan trường về ... và "đường mưa nho nhỏ" ...
...
- Năm đó anh đi đâu ... sao anh lại mất tích?
- Gia đình anh ra Vũng Tàu tránh Việt Cộng pháo kích! Anh có về Sài Gòn tìm gặp em nhưng nhà khóa cổng, im lìm, chẳng có ai!
- Gia đình em cũng về quê ngoại tránh bom đạn... thời gian sau dọn nhà đi nơi khác. Em có để thư lại cho B. Anh không nhận đươc sao?
- Không! ... loạn lạc ly tán!
...
- Hết trung học mẹ em bắt em lấy chồng... Nhưng em không yêu.
- Lấy ai?
- Một Đại úy phi công. Em có một đứa con trai.
- Con em tên gì ... hiện ở đâu?
- Tên nó giống anh ... Là tên anh, có thêm dấu nặng... nó gần năm mươi tuổi rồi!
...
- Chồng em bị đi "cải tạo" năm 75 và chết trong tù ngoài Bắc ... vì đói rét!
- Ba năm sau em có người khác và có thêm hai đứa con gái, giờ cũng đã chồng con.
Nhưng ông này bỏ em vượt biên ... để em lại một mình với đàn con nheo nhóc!
...
- Còn anh ... sao anh biến mất!
- Anh tìm em... vài tháng sau anh trở về xóm cũ tìm em, lúc xác người nằm chết la liệt khắp Sài Gòn ... một mình phóng xe trên những con đường vắng tanh... may mà không bị bắn tỉa ... đạn của cả hai bên. Giai đoạn tổng tấn công đợt hai của Bắc việt.
...
- Em không ngờ ... dạo đó làm gì có điện thoại di động nhỉ ... Em đã khóc. Cả tháng em mong và nhớ anh, nhớ phát điên ... Em mướn tiểu thuyết nằm đọc cả ngày để tìm quên ...
- Anh không quên ... tìm em suốt nhưng không thấy tung tích... sau anh đi du học... Nếu không cũng đã xanh cỏ rồi.
Gia đình em ở lại Việt Nam đến khi nào?
- Sau hai lần bị bắt, mấy mẹ con em vượt thoát cùng một ông người Hoa sống ở Chợ Lớn. Ông này thương gia giàu có bỏ tiền cho em đi.... và trở thành chồng em sau này khi đến đảo.
- Bố mẹ em còn sống ?
- Mẹ em mất trí và qua đời trước bố em mười năm.
...
- Anh à ... em sẽ bay qua gặp anh!
- Khi nào?
- Mười ngày nữa ... được không? ... hay sớm hơn?
- Năm tháng qua mau ...em đã thành bà lão ... Nhưng em không muốn thất lạc anh lần nữa!
- Gia đình em hạnh phúc không?
- Thời gian bào mòn tất cả... bổn phận ... trách nhiệm... Ông này giờ theo Trung Quốc ... nên hay về VN ... em rất buồn !
- Em sẽ qua rồi mình gặp nhau nhé!
- Máy bay sẽ đáp xuống phi trường đúng 10.45 am
...
...

Tôi nhìn nàng đang ngủ say, nét thanh xuân ngày nào như thổn thức với vách tường trắng, tóc xõa trên nền gối trắng, chân tóc cũng bạc phơ.
Chỉ còn bầu trời mênh mông tối đen gió lốc. Tôi chợt nghĩ đến một người mang tên tôi, giống tên tôi với dấu nặng.
Gió lạnh của mùa đông đang đến... Đã mấy mùa rồi em?

Sg 25/11/2019

Phan Nguyên







Màu Của Đường Hầm










Màu của đường hầm


Trời đã vào Thu và lá vàng bắt đầu rơi rụng. Mình đón chuyến tàu xuyên Paris ra ngoại ô về nhà. Chắc cũng vài chục năm mình mới xuống lại tàu điện ngầm paris. Từ những năm 70 thế kỷ trước.
Khi đó còn những toa tầu toàn ghế gỗ sọc ngang, ngồi rêm bàn tọa, rải rác những ngọn đèn tù mù vàng đục và cửa xe đóng mở đinh tai. Nhớ thuở sinh viên dù còn ngái ngủ vẫn cố lèn vào đám đông chật cứng, giành bước lên tầu, hành khách dựa nhau nghiêng ngả, nếu đứng cạnh một nàng tóc vàng sẽ may mắn được nàng ôm để trụ cho vững.Tiếng rít bánh sắt mài vào đường ray khét lẹt. Một mùi khét đặc biệt vài chục năm sau cũng ko quên.
Sáng sáng xuống hầm, cả đoàn người rồng rắn xếp hàng bấm vé! nhân viên hỏa xa đứng hai bên đục lỗ thoăn thoắt vẫn ko xuể... Dạo ấy nổi tiếng một bài hát "Le poinconneur des Lilas" của nhạc sĩ Serge Gainsbourg ai cũng biết!
Tôi đục những lỗ nhỏ
những lỗ nhỏ

những lỗ nhỏ.
Để ra khỏi lỗ lớn
tội đục những lỗ nhỏ
những lỗ nhỏ
lỗ nhỏ ...
(Tạm dịch)

Một ca khúc nổi tiếng đã làm nên tên tuổi Serge Gainsbourg sau đó.
Nhưng hôm nay khác hẳn, sau vài chục năm mình trở lại Paris, mọi thứ đã thay đổi, ghế nệm màu mè mát mắt và những toa tàu thông suốt sáng trưng... mọi thứ đều tự động hóa, tự mua vé, tự vào ra, thỉnh thoảng có kiểm soát phạt những ai đi chui khá nặng. Dưới hầm Metro, Xe lửa, Nhà ga đâu đâu cũng rộng rãi sạch sẽ, cả một thánh phố ngầm dưới đất, rầm rập, sống động và đầy cửa hàng màu sắc tươi vui ...
Duy hành khách sử dụng hàng ngày những chuyến xe xuyên thành phố sau những giờ làm việc nặng nhọc cũng phần nhiều là người da màu ... Một màu da đen nghèo khổ của Phi châu... một màu da nâu tái xanh của Trung đông bom đạn, khủng bố ... và với mình một màu da vàng của Châu Á cả đời lưu lạc. Rất ít da trắng bản xứ.
Hôm nay đang ngồi xe bỗng vang lên một giọng nói thật vô cảm : Chú ý chú ý ... hành khách coi chừng ... có kẻ móc túi đang có mặt ở toa số một... chú ý! Chú ý!
Chuyến tàu ngoại ô vẫn lao vút trong gió ... Vài bộ đồ xanh đeo súng ngắn như lính trận đang cúi mình tiến lên phía trước, ngược dòng.
Trời đang vào Thu lá vàng lá đỏ.

PN. Sg 10.11.2019









Tản Mạn Trên Giường Bệnh

 






Tản mạn trên giường bệnh


Cả tháng nay mình chỉ nằm chữa bệnh... với thuốc men đủ loại, vật vã, lên bờ xuống ruộng vì bị thuốc nó hành ... Ko ăn uống gì được và chỉ ngủ li bì với những cơn mê sảng tiếp nối ... Những lúc tỉnh táo thì cố gắng xem phim ... nghe nhạc đọc sách... Và rồi cũng quay lại với facebook...
Đọc sách chán lại bật TV nhưng chẳng có chương trình gì hay, chỉ vài đài nước ngoài còn xem được... Mở TV5 Pháp bất ngờ gặp anh chàng Bernard Henry Levy một thời lẫy lừng với nhóm "triết gia mới" giới thiệu sách mới, nay cũng tóc bạc da mồi nhưng đẹp lão ... Làm nhớ Paris, nhớ những khung trời sinh viên đại học... bay nhảy, tự do.
Nhưng TV5 Pháp hình như cố tình hạ thấp trình độ cho hợp với dân bản xứ... xem mấy buổi toàn chương trình vô thưởng vô phạt... Các đài VN thì ko chịu nổi vì hay đưa tin lệch lạc, hay nói dối, nếu ko muốn nói bịp bợm và diễu dở ... chưa kể đến giới báo chí tai tiếng tình-quyền-tiền và những dạng "nô bút" bê bối khác !
Chỉ khi nằm bệnh mở xem hết đài này, đài kia mới hiểu thế nào là chính sách ngu dân với truyền thông truyền hình xhcn.
Cũng may còn có facebook, có internet . Cầm cái điện thoại di động thông minh là cầm cả thế giới trên tay ... Thông tin đa dạng đa chiều! ... Phẩy một cái thấy Tomahawk bay đến Damas phẩy cái nữa thấy thơ rác! thuế tận thu! và VN bênh Putin, Syria ... Bênh đến ngớ ngẩn!
Nhớ hồi xưa còn dạy học.... Mỗi ngày phải đọc 2, 3 tờ báo để tìm tin tức và tài liệu làm bài giảng, cắt dán cũng mất vài tiếng... Giờ thì nhẹ nhàng. .. Phẩy qua phẩy lại là có đủ, gần như tất cả ... Phây phây. Tập trung. Tại chỗ.
Tối nay xem được một phim khá hay trên HBO ... "Vợ người coi sở thú" kể chuyện thời gian bọn Đức quốc xã chiếm đóng Ba Lan và tàn sát người Do Thái... Vai nữ trong phim thật tuyệt vời! Rõ ràng chế độ độc tài toàn trị kiểu nào cũng chỉ reo rắc đau thương và khổ nạn. Và thân phận người phụ nữ. Buồn thay!
Nhớ fb... Viết vài dòng cho đỡ nhớ !

Saigon 20/04/2018
Phan Nguyên








Một Quả Lừa

 









Một quả lừa


Từ thuở cha sinh đến giờ mình tha phương, lang bạt ngót nghét cũng nửa thế kỷ. Đa phần là gặp may nhưng thỉnh thoảng cũng bị vài quả lừa trời giáng. Cũng chỉ vì tin người. Mất tiền, mất tình, mất tài sản. Bi hài có đủ, mà chẳng bao giờ giống nhau.
Nhớ lần sang Ý du lịch bị một nhóm người giàn cảnh đánh cắp hết giấy tờ tiền nong ... Chiêu trò thật đẹp mắt ... hoặc như lần về HN bị cò mồi dụ mua vé xe lửa từ Bắc vào Nam mà ko có chỗ ngồi, may nhờ thằng em đầu gấu đòi tiền lại được. Như cách đây vài năm, con bé osin nhà bà cụ mình đòi mua cho chiếc xe đạp đi chợ, hôm trước hôm sau nó đạp xe ra chợ rồi biến mất.
Thường thì ai cũng hiểu ra kịch bản khi đã quá muộn. Tiền mất tật mang vì nhiều kịch bản lừa lọc ít người ngờ tới. Như kịch bản mình sắp kể cho các bạn nghe dưới đây. Một chuyện ly kỳ mới gặp!
Kích bản này có ba nhân vật.
Nhân vật thứ nhất là đàn bà gọi điện nhỏ nhẹ nói mình có thư bảo đảm của bộ công an phải đến lấy tận bưu điện HN. Nếu ko đến được sẽ nhờ nhân viên hỗ trợ khách hàng mở thư xem giùm nội dung, mình thắc mắc quá nên đồng ý... cô ta tít tít tít chuyển điện thoại cho người thứ hai nói chuyện.
Nhân vật thứ hai là đàn ông.
Thông báo nội dung tóm tắt:
Mình bị ngân hàng ... kiện đòi nợ!
Mình đã sử dụng thẻ ATM có tên mình, đúng ngày sinh tháng đẻ và cả số passport... mình Nợ một số tiền khá lớn chưa trả! Có số hồ sơ đầy đủ! Nhưng có vẻ đây là một vụ mạo danh nên anh ta khuyên phải khai báo gấp công an. Chuyện rất nghiêm trọng, nếu mình muốn sẽ chuyển cho cơ quan hữu trách để khai báo và lập hồ sơ khiếu nại tức tốc.
Trước đó anh ta ân cần hỏi mình xem ngân khoản có mất mát gì ko? Có bao nhiêu tiền? Có bao nhiêu sổ tiết kiệm v.v ...
Anh này ăn nói hiền lành tử tế tự xưng đại úy công an và sẽ giúp mình. (Đang là nhân viên hỗ trợ khách hàng của bưu điện trở thành công an.) Và yêu cầu mình giữ bí mật. Ko được có ai nghe thấy, ngay cả người trong gia đình. Rồi chuyển đường dây cho người thứ ba.
Nhân vật thứ ba:
Nhân vật này cũng đàn ông có giọng nói đanh thép đầy quyền uy ... thỉnh thoảng nàm nàm nấy nấy nhưng ăn nói dứt khoát như ra lệnh. Anh ta cho phép mình khai báo đúng sự thật. Yêu cầu vào phòng kín cửa ko ai gây tiếng động, vì phải thu âm. Cũng bí mật. Tự xưng là Thiếu tá hình sự đang điều tra một đường dây buôn lậu ma túy và rửa tiền quốc tế!.
Có hai tội pham ma túy bị bắt, đã khai tên mình là đồng phạm. Làm thẻ ATM bán lại cho chúng . Nên cơ quan hình sự đã có lệnh bắt mình để tạm giam điều tra trong vòng 48 tiếng. Số tiền của mình có trong ngân hàng tiêu xài hàng tháng là do bọn buôn ma túy này cung cấp. Công an đang muốn điều tra làm rõ và yêu cầu mình tự nguyện hợp tác. Hợp tác cũng bí mật ko ai được biết.
Rồi gởi hình copy cho mình xem lệnh truy nã bắt tạm giam ... giấy trắng mực đen đóng dấu đỏ đàng hoàng.
Lệnh bắt có hiệu lực tức thì trước 5h chiều để dẫn độ ra HN hôm nay.
Nếu mình ko muốn bị bắt trước 5h thì phải thành khẩn khai báo và hợp tác với cơ quan điều tra. Thành khẩn chuyển hết tiền mình có trong ngân hàng (vì nghi là tiền buôn ma túy) cho ban điều tra tạm giữ. Sau 48 tiếng nếu được minh oan vô tội, bị vu cáo sẽ được hoàn lại.
Ngay chiều nay sẽ có người bảo vệ tháp tùng mình ra ngân hàng chuyển tiền cho họ giữ.
Và tuyệt đối bí mật, ko ai được biết sợ bọn xã hội đen có thể hãm hại.
Tất cả đều nhịp nhàng theo kịch bản rất chuyên nghiệp từ thấp lên cao để đưa nạn nhân vào tròng, khiến người nào yếu bóng vía sẽ sợ hãi đổ mồ hôi hột, thậm chí có tật giật mình đái ra quần.
Đến đây thì mình trả lời:
Dạ em hỗng có ham! Em hỗng dám đưa tiền cho các bác giữ đâu!
Cúp máy và ngồi chờ ... đến chiều tối cũng ko thấy ai đến bắt!
Thì ra là một quả lừa.
Cũng hết hồn chứ !
Từ nạn nhân bị mạo danh thẻ ATM ... thành tình nghi buôn lậu ma túy ... Rồi thành tội phạm đã có lệnh bắt tạm giam ... Chỉ trong vòng ba cuộc điện thoại viễn liên, mỗi lần mươi phút! Cuối cùng đòi tạm giữ tài sản để điều tra. Mà mình chẳng biết chúng là ai!? đen hay đỏ!? Chỉ biết từ HN gọi vào!
Kế chuyện này để mọi người thấy cũng nên cảnh giác với những cuộc điện thoại bất thường. Vì có rất nhiều chiêu trò cướp tài sản của bạn hiện nay. Đặc biệt nhằm vào giới văn nghệ sĩ.
Thời buổi khó khăn dịch bệnh... Lừa đảo như rươi. Hay sống với đám gù mà thẳng lưng quá sẽ thành ... Tội phạm?
Tb: Ko hiểu sao chúng biết họ tên mình, ngày sinh tháng đẻ và cả số passport? Chúng nghĩ mình già cả, có vẻ thuộc loại việt kiều hồi hộp nên dễ trở thành nạn nhân.
Và coi chừng, bạn có thể nhận một lệnh bắt tạm giam "Giả y như thật" trên trời rơi xuống bất cứ lúc nào nhé!

Sg. 19/5/2020
Phan Nguyên









Xa với Gần

 








Xa với Gần

Một hôm vừa gió lại vừa mưa (y như trong thơ Phan Khôi).
Trong căn nhà nhỏ, hai mái đầu xanh ngồi tựa nhau ... to nhỏ thì thầm.
- Anh ngồi xa em ra tí nữa đi!
- Sao vậy em?
- Giãn cách ... muốn gần anh ... ngồi gần anh cũng không được đâu ... phải cách xa hai mét!
- Mình cách xa mấy tuần nay còn gì! ...
- Bốn tuần!
- Mai nới lỏng cách ly rồi !
- Nới lỏng thật ư? ...
- Thật!
- Thì mai sẽ hay ... Giờ thì anh nới lỏng em ra, ngồi xê ra tí nữa ...
- Thế!
- Mai hết cách ly ... mình gần nhau được ko ?
- Gần như thế nào ạ?
- Biết rồi còn hỏi!
- Anh đi khá xa rồi đấy !
- Thì xa cả tháng rồi!
- Nhưng gặp anh mỗi ngày trên Facebook!
- Phây búc là on lai!
- Thì có sao đâu?
- Mình đang ốp lai mà!
Rồi chàng ôm nàng cho xích lại gần hơn, nới lỏng cách ly thêm tí nữa ... Rồi hôn môi nồng nàn xuyên qua khẩu trang... (Tây gọi là xuyên qua mặt nạ)
Trong căn nhà nhỏ, hai mái đầu xanh thì thầm than thở ... Nhìn nhau mắt cũng có tí đuôi.
Ngoài kia tiếng loa phường rè rè lụp bụp:
Nếu phải cách xa em ... Anh chỉ làaa ... bão tôôố! *
* Nhạc của ai mình quên mất rồi!

PN. Sg 21/4/2020 mùa giãn cách xã hội









Tháng Bảy Adam Và Eva

 








Tháng bảy Adam và Eva




Tháng bảy là tháng nghỉ hè của dân Pháp. Năm nay chẳng đi đâu, nhưng lại nhớ đến một chuyến đi hè khá đặc biệt hồi còn trẻ.
Khi xưa khoảng tháng này mình hay xuống miền nam tìm ánh nắng và bãi biển, thường là một nơi chưa bao giờ đặt chân đến.
Đi hè phải sắp xếp trước cả nửa năm như dân Tây rất phiền. Mình thích đi bụi, tới đâu tính tới đó. Cứ nhắm hướng miền nam nắng nóng, dọc bờ biển Mediterranée đâu cũng đẹp, cổ kính, thơ mộng. Cứ trực chỉ A6 "xa lộ mặt trời" là đến nơi.
Dọc đường chỗ nào thích thì ngừng. Đi để khám phá, gặp gỡ, với tấm bản đồ trên tay.
Năm đó mình chấm một điểm ven biển Địa Trung Hải màu xanh lơ. Lái xe gần ngàn cây số sáng chiều đã tới.
Nhưng khi lòng vòng mãi ko tìm ra khách sạn, hết phòng. Muốn vào camping cắm lều cũng chẳng còn chỗ.
Nghe nói chỉ còn cách qua làng khoả thân (Village Naturiste) thì may ra. Nên mình cũng thử liều xem sao ... hỏi bà vợ lúc đó cũng đồng ý!
Thật ra "làng khoả thân" ko như làng đánh cá ngư dân mộc mạc, mà cả một khu dân cư rộng lớn với khách sạn, nhà hàng, cà phê đèn đuốc rực sáng. Chiều đến dân chúng ăn diện ra đường ... nào có thấy ai cởi truồng?
Chỉ phải ghi danh nhập Hội khoả thân lấy thẻ ra vào, vì bảo vệ canh gác nghiêm ngặt.
Hoàn cảnh đã vậy, tình cờ, ngẫu hứng, lần đầu tiên mình lạc vào một làng Naturiste. Nhập hội với những con người thích sống thiên nhiên nắng gió, một cộng đồng nguyên thủy biệt lâp của các ông Adam và bà Eva. Tách rời hẳn với không gian ồn ào phố thị, kín cổng với bãi biển riêng cát trắng trải dài vài cây số.

Cũng lạ, mọi sinh hoạt ở đây đều ko đắt đỏ như bên ngoài. Hơn nữa bãi biển miễn phí. Căng dù nằm phơi nắng cả ngày chẳng ai đòi tiền, muốn gì cũng được các Adam và Eva phục vụ tận nơi.
Đã vào làng khoả thân thì ko phải đi đâu nữa, mọi tiện ích đều có đủ.
Thú thật, vài ngày đầu mình cũng có ngại ngùng, ra bãi cứ phải nằm sấp, nhắm mắt giả vờ như ko thấy. Vì tất cả mọi người đều tung tăng lõa thể, trai gái thân hình thật đẹp, hấp dẫn lượn lờ trước mặt, trước mắt. Và mình cũng chưa quen trần như nhộng ngay mũi các nàng tiên săn chắc màu nâu đồng. Tủi thân hơn nữa nếu đứng cạnh các chàng trai đẹp hiên ngang như tượng David.
Nhưng cũng may, du khách đến đây phần nhiều là những gia đình đông con, nội ngoại cháu chắt từ Đức, Anh, Hòa Lan và những vùng đất ít biển thiếu nắng. Từ ông bà già đến trẻ con lẫm chẫm cũng khoả thân tắm nắng tắm biến. Thoải mái. Hồn nhiên.

Vài tuần sau rồi cũng quen, mình mới "ngộ" ra được vài điều thú vị, đôi khi khá mâu thuẫn!
Bãi tắm khoả thân rất sạch sẽ, đẹp một màu da nâu tự nhiên dưới ánh mặt trời, ko hoa mắt màu sắc như bãi tắm có xiêm y, rườm rà rắc rối, quần áo cứ như thiếu vải.
Sự lõa thể trần truồng của một đám đông ko gợi tình, gợi dục. Ngược lại, nó diệt dục rất chóng vánh và triệt tiêu mọi ý nghĩ đen tối, mơ huyền.
Mặc áo tắm nửa kín nửa hở mới kích thích con người trần tục, ở đâu cũng thế, con người là trần tục, bản năng!
Tối đến khi mọi người ăn diện xuống phố mới thấy họ sexy, khêu gợi. Ban ngày tắm biển hay ngồi quán trần truồng cả đám cũng ko ai nhớ mình chưa mặc quần áo. Ai có muốn "hiếp dâm" ai cũng sẽ cụt hứng trong một trại khoả thân chủ nghĩa, trừ khi là tự nguyện cho không!
Mâu thuẫn tâm lý lạ lùng!
Càng che đậy thân xác bao nhiêu càng dục vọng xác thịt bấy nhiêu? Cứ như ông Adam và bà Eva lại chẳng thấy gì! Vô cảm!
Lắm khi ăn chay trường cũng chưa chắc diệt được con heo tộc ủn ỉn ngày đêm trong mỗi con người, từ anh cùng đinh đến ngài Tổng Thống. Nhưng đó là chuyện của các bậc thầy tu. Tu hành thực sự chứ ... tu quốc doanh không kể!

Một buổi sáng cuối tuần, mình dậy sớm ra cà phê... Chứng kiến một cảnh tượng khôi hài chưa từng thấy trên đời... Nơi bàn bán vé cá ngựa, Loto ... một hàng dài gã đàn ông cởi truồng xếp hàng nối đuôi nhau nghiêm chỉnh ... đen trắng, dài ngắn, to nhỏ, xoắn ốc, cong vẹo đang chờ tới phiên đặt cược, trước mặt một bà chủ vú vê để hẳn lên bàn nhưng lại mặc quần lót, hay vì trời lạnh? Và mọi người vẫn vui vẻ bàn tán về những outsiders có thể về ngược. Họ nói với nhau bằng nhiều thứ tiếng chứ ko riêng gì tiếng Pháp. Có lẽ da vàng mũi tẹt như mình chỉ có một! Ko hiểu sao ít có người Việt dám lai vãng vào làng khoả thân!
Mình chợt nghĩ ko biết trong đám người này ai giàu sang phú quý hơn ai? Ai bác học trí tuệ hơn ai? Ai công hầu ai khanh tướng nói như Đặng Trần Thường lúc đánh đòn Ngô Thì Nhậm!
Hóa ra trần truồng tập thể cũng xoá bỏ luôn sự giàu nghèo, sang hèn, trí thức, vô học, ko còn phân biệt giai cấp, ít ra về mặt hình thức!
Khi khoả thân con người ta bình đẳng trước trời đất! Bớt kỳ thị màu da. Đồng tính hay dị tính cũng chẳng ai để ý. Ko còn mặc cảm về thể hình, thể tạng dù có khuyết tật hay ko! Các thẩm mỹ viện đến đây sẽ thất nghiệp, chắc chắn.
Chỉ còn lại một thân xác mà tạo hóa ban cho mỗi người để chờ một ngày nào đó đẹp trời ... tan biến.

Mình cứ tưởng đi một lần cho biết, nhưng rồi lui tới cả chục năm. Hình thành những nhóm bạn quen biết năm nào cũng gặp. Ko xuống biển thì lên núi, ra đảo, đâu cũng có những hậu duệ của Adam và Eva.
Họ sống lương thiện, tình cảm, nam nữ bình quyền và tự do luyến ái!
Một triết lý sống? Hay mặt trái của vấn đề?
Năm đó nghỉ hè về, quần áo chẳng phải giặt mấy với nước da ngăm ngăm, đen giòn bánh mật ... ước mơ của nhiều người da trắng chưa được dịp phơi nắng nghỉ ngơi.

SG 19/7/2020
Phan Nguyên












Về Quê

 









Về quê !


Sáng nay thức dậy nhìn mặt trời mọc tự nhiên mình thèm về quê. Thèm được ngửi mùi đồng xanh lúa chín, mùi ấm nồng của đất, mùi rêu bùn của sông. Thèm được nghe tiếng gà gáy xa xa và khoảng trời mây bay êm ả, yên tĩnh.
Nhưng về đâu? Chợt nhớ mình chẳng có quê để mà về, nếu có cũng xa tít tắp ... quê cha Thanh Hoá, quê mẹ Yên Bái ... Về những địa danh, địa linh nhân kiệt của một thời xa xưa mình chưa lần nào đặt chân đến. Vùng đất của Lam Sơn tụ nghĩa, vùng đất của người anh hùng Nguyễn Thái Học khi xưa bước lên đoạn đầu đài.. hay về đâu?

Có Quê để về là một Hạnh Phúc, một Hân Hoan khi đã mỏi gối tha phương ... hay chán chê những chớp nháy phồn hoa đô hội.
Dù tuổi thơ mình ko có "chim có bướm và đòn roi" cũng chẳng có "khế chua khế ngọt" mà chỉ nhớ có dịp được chạy nhảy bắt cá Lia Thia trên một cánh đồng còn gài đầy mìn vùng Hà Tiên mà ko biết!
Hụt chết! Nếu ko cũng thành người trở về nay đã cụt chân!
Nhưng sáng sớm pha ly cà phê tự cách ly của người "già", bất giác thấy thèm một "tuổi hồn nhiên ngồi nhìn trời xanh" !
Chỉ thèm thế thôi!

Sài gòn mùa Viêm phổi Vũ Hán
22/3/2020
Phan Nguyên








Thói Quen









Thói quen

Cấm cung mãi rồi cũng quen. Cách ly thời Cô Vy hóa ra lại làm mình thích ngồi nhà. Sáng ko thấy có nhu cầu ra đường cf nữa, dù là cf vỉa hè. Ngồi nhà uống nhưng vẫn châm điếu thuốc. Đúng giờ bật TV xem tin tức rồi đọc sách xem phim hoặc vào phây búc. Loanh quanh luẩn quẩn trong nhà cũng thấy bình thường, chẳng sao ... dù cô độc như tu kín, tu thiền, tới bữa tự đặt nồi cơm có gì ăn nấy, lắm lúc cũng chẳng cần ăn.Hoá ra tất cả chỉ là thói quen?
Không lẽ con người ta chỉ sống với những thói quen, từ hành vi đến suy nghĩ, vật chất lẫn tinh thần?
Thói quen nào là bẩm sinh hay được học tập dậy dỗ? Từ ăn ngủ, đi đứng, làm tình, uống rượu, đọc sách, nghe nhạc, nhậu nhẹt, chửi thề, tiêu xài, chợ búa v.v ?
Có thói quen xấu và thói quen tốt... Nhưng là chuyện khác!
Mình có bà bạn vẫn thích sách giỏ đi chợ trời, la cà mặc cả chứ ko chịu vào siêu thị. Một anh bạn chửi thề nổ như bắp rang, nhưng lại rất tử tế khi nói chuyện với mình.Tại thói quen?
Có người tiêu pha rộng rãi dù nghèo rách mồng tơi và ngược lại ko chi một cắc cho ai cũng chỉ vì thói quen.
Kể ra có rất nhiều sắc thái tâm sinh lý hành vi hàng ngày là thói quen.
Tỷ dụ như ông bạn già kiên trì sống độc thân từ trẻ, nay có người giúp việc nhà cũng khó chịu!
Tỷ dụ như có cặp chỉ thích làm chuyện đó khi đèn sáng choang! Tắt đèn sẽ cụt hứng! Một thói quen đăc biệt khá thú vị!
Có anh chỉ quen ngồi nhà vặt lông mũi nhưng khi có đám đông thì ba hoa phét lác như lãnh đạo.
Thích làm lãnh tụ, siêu nhân cũng là một hiện tượng thường thấy trong xã hội ngày nay... Rất quen thuộc ở những người nổi tiếng, có tiền, có quyền, có máu mặt... Khệnh khạng vung vít, thiếu khiêm cung và dư ngạo mạn. Một thói quen lây lan đã đc học tập dậy dỗ từ bé? Hay tính nết bẩm sinh? Mình thấy thật đáng ngờ!

Có điều chắc chắn sau cơn đại dịch viêm phổi Vũ Hán ... Thế giới sẽ quen đeo khẩu trang và nhìn TQ với một cặp mắt khác.
Thế giới sẽ ko còn tin vào sự dối trá thâm căn của người cộng sản, đặc biệt cộng sản Trung Quốc.
Nhạc sĩ Jacques Brel lúc sinh thời đã từng hát: "chúng ta ko quên gì cả, chỉ quen đi thôi".
"On n'oublie rien, de rien, on s'habitue, c'est tout!"

Còn mình, cũng phải dứt khoát bỏ một thói quen ... thói quen cà phê thuốc lá buổi sáng!
Nói bao nhiêu lần!

PN. 14/4/2020 mùa giãn cách xã hội








Người Muôn Năm Cũ

 







Người muôn năm cũ





Sài gòn mùa hè năm đó nóng bức nhưng chiều chiều thường có những ngọn gió từ kênh Nhiêu Lộc tạt qua, cũng làm vơi đi không khí ngột ngạt trong cái xóm nhỏ ở khu Tân Định. Những ngọn gió mát mọi người đều dễ dàng cảm thấy trên da thịt nhưng cái mùi sình lầy nước đọng từ con kênh đen ngòm lan tỏa khắp nơi thì không ai ngửi thấy... mà chỉ có mình mình. Khổ cho cái mũi từ phương Tây mang về là thế! Có người đùa bảo đích xác là mùi "quê hương", hít thở mãi rồi cũng quen thôi! Không ngửi thấy gì nữa!

Cái xóm bình dân này nằm ngay góc đường Trần Quang Khải với Hai Bà Trưng. Sâu vào trong là Xóm Chùa hướng ra kênh Nhiêu Lộc. Ngược ra ngoài là đường lớn, đi bộ mươi phút là đến chợ Tân Định để đến nhà Đinh Cường ...Và chắc chắn ở xưởng vẽ họa sĩ ĐC sẽ dễ thở hơn nhiều!

Dạo đó tối tối mình hay qua nhà Đinh Cường chơi và rủ anh đi ăn cháo trắng hột vịt muối với dưa mắm ... cũng chỉ đi bộ lòng vòng khu chợ để có dịp la cà quán xá. Và tối hôm đó, tình cờ mình gặp một người biết tên nhưng chưa bao giờ gặp mặt, nhà thơ Tô Thùy Yên. Một cây bút chủ chốt của nhóm Sáng Tạo cùng với Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sỹ v.v trước 75.
Xưởng vẽ Đinh Cường là nơi tụ hội nhiều văn nghệ sĩ miền Nam nhất lúc đó, đến đây có thể gặp tất cả. Ban ngày thường lui tới là Trịnh Công Sơn, Trịnh Cung, Đỗ Quang Em ... tối tối có mặt Tô Thùy Yên, Bùi Giáng. Ai cũng thân với họa sĩ Đinh Cường vốn người hiền lành chất phác.

Đinh Cường giới thiệu TTY mới ở tù ra, mới "cải tạo" về. Anh nhổm người bắt tay thân thiện không nói gì, chỉ ngồi trầm ngâm hút thuốc. Áo trắng quần đen. Dạo đó mình chỉ biết TTY là tác giả bài "Chiều trên phá Tam Giang" nổi tiếng đươc phổ nhạc với giọng hát Nhật Trường, một giọng hát mình không thích lắm. Anh ngồi đó với dáng người gầy gầy, mặt mày hốc hác, quay lưng lại với ánh đèn Néon và tóc còn đen nhánh.
Đinh Cường bảo PN ở Paris về anh mới nhìn mình và hỏi chuyện, có vẻ quan tâm nhiều đến đời sống và xã hội tây phương. TTY thích nói chuyện xoay quanh vài nhà văn, nhà thơ Pháp khi biết mình cũng học văn khoa rồi bảo anh mới dịch xong quyển "L' Amant" của Marguerite Duras, hứa hôm nào sẽ đưa mình đọc bản thảo, xem có in được chăng? TTY là người ít nói nhưng thích đặt nhiều câu hỏi, thẳng thắn, tế nhị. Có vẻ không muốn nhắc lại giai đoạn gian truân khổ ải anh vừa trải qua ... hay vì e ngại chưa muốn thổ lộ với người xa lạ mới gặp? Chuyện "học tập cải tạo" anh đều tránh né!
Những buổi tối ấy thường chấm dứt bên bát cháo trắng bốc hơi với hột vịt muối. Không bia bọt và ai về nhà nấy, chay tịnh vì mọi người đều nghèo rớt mồng tơi. Dạo đó văn nghệ sĩ trí thức miền Nam chỉ ngồi vỉa hè và chạy kiếm ăn từng bữa. Đa số còn dựa vào sự tần tảo của vợ con. Các bà các chị buôn qua bán lại rất giỏi trong thời kỳ "đổi mới". Họa sĩ thỉnh thoảng bán được bức tranh giá rẻ đã là đại tiệc. Mình biết, có những điều không cần nói ra, chỉ cần im lặng, nhưng hiểu nhau tận đáy lòng...

Lần cuối gặp TTY năm đó ở nhà ĐC, một hôm có mặt Bùi Giáng, không nghe anh nói gì về quyển "L' Amant" đã dịch và chỉ ngồi nghe Bùi Giáng đọc thơ vô lượng viết tặng nàng Brigitte Bardot, Ôi Brigitte Bardot nàng minh tinh màn bạc Pháp với bộ ngực nẩy lửa! Bùi Giáng đọc thơ rồi chép ra giấy nhờ mình mang sang Pháp. Suốt buổi tối TTY chỉ ngồi nghe chuyện và cười buồn nhiều hơn vui. Anh thân với ĐC, thường lui tới xưởng vẽ chép thơ lên những mảnh giấy trắng treo lên tường như những câu đối, với nét chữ bay bướm thật đẹp.

Rồi gia đình họa sĩ Đinh Cường chuẩn bị đi nước ngoài, vài năm sau thi sĩ TTY cũng ra đi theo diện HO, mình định cư ở Pháp.

Bẵng đi 25 năm sau mình mới gặp lại TTY ở Sài gòn, một dịp anh trở về thăm quê hương. Cùng lúc mình cũng có mặt ở VN. Lần đó mình đã làm dấu tay bằng cà phê cho anh ... Anh đã vui vẻ, tóc muối tiêu, hoạt bát hơn, kể chuyện nhiều hơn và ghi lên giấy dấu vân tay:

Bao giờ, cho đến bao giờ nữa
Em gánh vui về họp chợ đông

Tiếc là không ghi hai câu sau:

Lòng ngát như hoa còn kịp buổi
Áo chưa ai giữ để xin buông

Thời gian đó TTY đã kịp xuất bản hai tập thơ tuyển "Ta Về" và "Thắp Tạ" ở hải ngoại mà mình có được đọc. Khác với Thanh Tâm Tuyền đã bỏ hẳn thơ, ngưng sáng tác và im lặng cho tới lúc chết!

Tối nay nghe tin TTY qua đời vì bị nhồi máu cơ tim ... một quả "tim lớn" đã ngừng đập. Mình chợt nhớ tới quyển sách anh dịch "Người Tinh" vẫn chưa cho xem ... sách có được xuất bản ko?
Và dấu tay Tô Thùy Yên còn đó, dấu tay Đinh Cường vẫn còn đây! Riêng lá thư tình của thi sĩ Bùi Giáng gởi Brigitte Bardot thì vẫn chưa đến tay nàng ... vì đã thất lạc!

Tối nay nhớ tới hai câu thơ của Thanh Tâm Tuyền, người bạn thân thiết khác của Tô Thùy Yên:

Sẽ chết như sao rơi vào bất tận
Sẽ mãi yêu như giọt nước hân hoan


Và hai câu của anh:

Thắp tạ càn khôn một vô ích
Thắp tạ nhân quần một luyến thương


Sao thấy buồn hiu hắt!

Sg 26/5/2019

Phan Nguyên







Mắt Xích

 






Mắt xích


Thấm thoát 18 năm, nhiều người hỏi mình tại sao lại về, về làm gì? Khi ai cũng muốn ra đi. Sống bên kia sướng thế mà ko biết hay vì yêu "quê hương như yêu chùm khế ngọt"? Thực tình chẳng biết trả lời thế nào nên đành im lặng từ bấy lâu.

Sống ở Pháp hơn 30 năm, kể cũng sắp thành tinh, biết ăn fromage như Tây biết ăn mắm ruốc, nhìn lên ko bằng ai, nhìn xuống ko ai bằng mình, yên ổn chẳng thiếu thứ gì tự nhiên bỏ tất cả để về VN. Hay hắn là thành phần cộng sản nòi, con ông cháu cha về để chia chác gia tài bổng lộc? Phải có gì rất ưu đãi đang chờ đón ... bạn bè bất ngờ và ngạc nhiên là phải!

Hôm nay xin nói thật, sắp ngày sinh nhật 18 tuổi của cậu con trai duy nhất. Năm đó mình chỉ có ý định về chơi, thăm gia đình bố mẹ vào dịp Tết với visa ba tháng. Trong túi chỉ có hơn hai chục ngàn đô la. Gặp lúc ông cụ ốm nặng, mẹ già cũng đã 80. Nên nấn ná ở lại. Và cuộc sống đưa đẩy tạm trú làm ăn cho đến tận bây giờ. Sự thật là thế! Đơn giản.

Nửa năm sau ông cụ mất, mười lăm năm sau bà cụ cũng qua đời và vài ngày nữa con trai đã 18 tuổi.

Cái tuổi phải bước chân vào đời như mình cách đây nửa thể kỷ. Khởi sự một vòng xoay khác đang háo hức chuyển động với mọi bất trắc của cuộc sống. Hóa ra mỗi người chỉ là một vòng đời móc vào nhau như mắt xích, chỉ là một chuỗi buồn vui tiếp nối ko ngừng, hạnh phúc và đau khổ triền miên ko dứt.

Và trên hết vẫn là tình yêu tình người.
18 năm. Mình vẫn chỉ là người đang tạm trú trên quê hương!

SG 23.6.2019
Phan Nguyên








Xin Lỗi Văn Học

 









Xin lỗi văn học


Dạo này sáng sáng mình ít ngồi café vì bận nhiều việc, chẳng có thời gian nói chuyện để tách cà phê buồn tủi lạnh tanh. Nhưng hôm nay mới đọc được trên fb một bài viết có thiện chí kêu gọi hòa giải hòa hợp dân tộc của một phây nhân nổi tiếng, nhưng chưa từng gặp mặt. Một bài viết chân tình cảm động mong muốn hòa giải dân tộc sẽ/phải là sứ mệnh của văn học. Và xa hơn nữa có ý kiến cho rằng chẳng cần làm gì cả, hãy để cho văn học tự giải quyết mâu thuẫn với nhau rồi thì sẽ ổn ... rồi cũng đi đến hòa giải hòa hợp thôi ! Nghe cũng vui vui vì toàn những người cầm bút lâu năm tung hoành chiến trận có chính kiến tư tưởng đàng hoàng chứ ko phải ngu ngơ bậy bạ.

Nghe cũng lạc quan vì nếu văn học làm được cái việc ...Từ ấy, tất cả nhân gian là một vườn hoa lá, rất đậm hương và rộn ràng tiếng chim. Dĩ nhiên ko còn cái cảnh lý lịch người ghét người, sống để chèn ép nhau thì còn gì bằng? Tức khắc là hòa giải hòa hợp cả hai tay hai chân và ôm hôn xí xóa tất cả thôi!

Nếu một ngày lang thang trên đường phố Hà Nội mà ko còn cảm thấy rực rỡ chiến công hay sôi sục Ba Đình lịch sử gì gì nữa thì chắc hẳn văn nhân đã hòa hợp để chỉ còn thấy tấp nập cảnh Hoàn Kiếm Đồng Xuân náo nức ...

Nếu một ngày Sài Gòn chỉ là Sài Gòn thôi chứ ko là gì khác và người ta quét sạch đường phố cho cụ già em bé ko còn phải lo sợ nghe cướp nhà cướp đất đêm đêm, thì văn nhân hẳn đã hòa giải với quá khứ của chính mình chứ chẳng cần đâu xa.

Nếu một ngày văn học ko còn nhắc đến Mậu Thân như một chiến thắng lẫy lừng chấn động tim gan của hàng ngàn nạn nhân bị vùi xác oan uổng thì văn nhân và cả nước đã hòa đồng từ Nam chí Bắc. Mọi người chỉ thấy mưa sa sương mờ trên Thành cổ mà ko còn hàng hàng lớp lớp cờ đỏ tung bay.

Không còn lớp lớp cờ đỏ tung bay!

Hãy xin lỗi lịch sử, xin lỗi văn chương chữ nghĩa, xin lỗi các mẹ già em thơ và tất cả nạn nhân của quá khứ!

Hòa giải hòa hợp dân tộc sẽ đến và lúc đó người VN chắc chắn sẽ bước qua lời nguyền.

Sg 14/7/2019

Phan Nguyên







Một Sự Thật

 








Một sự thật


Đã định ko mở phây búc để thảnh thơi chu du thiên hạ, để mặc mọi sự ngoài tai mình đưa con đi học rồi đi chơi. Nhưng cả tuần vẫn chưa thích ứng được giờ giấc, ngày đêm đảo lộn khiến người mệt mỏi, thế mới biết ko phải muốn gì được nấy!
Sáng sáng vẫn phải đọc vài tờ báo với ly cà phê như một thói quen cố hữu, mình lại vào facebook.
Nhiều người bảo fb là thế giớ ảo chơi làm gì mất thời giờ, nhưng ngày càng thấy nó ko ảo hơn tiểu thuyết thơ văn đầy hư cấu, nó cũng chẳng thay thế được bất cứ bộ môn nghệ thuật nào. Nó chỉ là facebook.
Vào fb là để đi tìm một sự thật nhất định nào đó, những mong nhận diện một sự chân thực trong từng trang viết cá nhân hay lời nói giá trị đại diện cho ý thức của cả một cộng đồng xã hội.
Sáng nay mình đã nhìn thấy qua một nụ cười thật hồn nhiên của Nguyễn Đặng Minh Mẫn, người thiếu nữ vừa bị tù giam 8 năm vì dám nói Trường Sa Hoàng Sa là của VN. Một sự thật ko thể thật hơn!
Lấy gì để đền bù và trả lại thời gian tuổi thanh xuân đã mất của người con gái ấy???
Đem bỏ tù một sự thật, đau đớn thay!

Bolsa 3/8/2019
Phan Nguyên








Em Đi Bỏ Mặc Con Đường








Em đi bỏ mặc con đường ?


Pha ly cà phê ngồi nhà một mình để tự cách ly với Virus, chợt nhớ hôm nay cũng là ngày "cá tháng tư" ... Ngày ai bịa ra bất cứ chuyện gì để làm vui đều ko bị tội. Đời đã có bao nhiêu tháng tư ngày này đáng nhớ?

Cũng cách đây 19 năm, ngày này, nghe tin TCS qua đời mình cười tưởng chuyện đùa chơi ... Sau mới tiếc ko vào SG để kịp đưa tang anh ... Một đám tang cho một nhạc sĩ đông người đi đưa chưa từng thấy!
Người Sài gòn cũng đã biết chia tay vĩnh biệt với một thiên tài hiếm có, nên ko phải chuyện gì cũng có thể nhìn qua lăng kính chính trị kiểu CS ! Dù được yêu hay bị ghét! TCS đã là chứng nhân cho một giai đoạn lịch sử và anh đã ở lại với lịch sử!
Thời gian đó mình đang ở Hà Nội, tạm trú khu Giảng Võ chờ đợi một tin vui ... vì đứa con đầu lòng mình sắp chào đời ...
Và mấy tháng sau Bin Laden khủng bố đánh sập Trade Center của Hoa Kỳ với hơn ba ngàn người tan xác tại chỗ. Cùng một lúc!
Một năm 2001 đầy biến động ko thể nào quên!

Năm nay "cá tháng tư" 2020, sáng sớm tiễn bạn ra phi trường để trở về nơi tị nạn tha hương, một ổ dịch mới xuất hiện với cả ngàn người tử vong !
Thật ái ngại!
Thế giới đang đảo điên vì một con vi khuẩn bé xíu ko mùi và vô hình, nhân loại đang lâm bệnh và hoảng loạn ly cách, cả ngàn người chết mỗi ngày, chết như ngả rạ. Thành phố vắng tanh. Đường phố lác đác. Kinh tế thế giới suy sụp kéo theo những khổ nạn tang thương ko dứt. Chỉ vì một chính quyền độc tài chuyên giấu diếm bưng bít sự thật. Một sự thật chết người, bắt nguồn từ Vũ Hán!
Thiên tai hay Nhân tai?

Vừa được tin một bạn Pháp bị nhiễm Virus! Người đã cho mình mượn phòng tạm trú khi qua Paris. Bạn đã đc đưa vào nhà thương Cochin chữa trị. Chưa biết thế nào! Cố lên nhé bạn hiền ...

Lại văng vẳng bên tai bài nhạc cũ ...
"Bỏ mặc căn nhà, bỏ mặc tôi
bỏ mặc nơi đây, bỏ mặc người
bỏ trăm năm sau, ngàn năm nữa
bỏ mặc tôi ngồi, giữa đời vui?
Em đi bỏ mặc con đường
Bờ xa cỏ dại vô thường nhớ em..."

Chỉ cảm thấy buồn và cô đơn!

Ngày "cá tháng tư" 2020
Phan Nguyên







Tôi Không Còn Thời Gian

 













"Tôi không còn thời gian" và những dấu vân tay.


Mình chưa gặp nhà văn Nguyễn Mộng Giác và nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng lần nào lúc sinh thời, nhưng cũng có một việc liên quan từ xa đáng nhớ với hai anh.
Khoảng tháng tư 2012 mình làm trang E E cho Nguyễn Xuân Hoàng, tác giả của "Người đi trên mây", "Căn nhà ngói đỏ", "Bụi và rác" v.v ... Anh em thường liên lạc với nhau qua email để chỉ dẫn cách tự in dấu tay và nhận tư liệu bài vở.
Anh Nguyễn Xuân Hoàng đã được "truyền nghề", tự in dấu hoa tay một mình, đã thử đi thử lại nhiều lần và chốt ở ấn bản anh vừa ý nhất có ghi: "tôi không còn thời gian".
Anh dự tính sẽ gởi tất cả tư liệu cho mình qua bưu điện, sau chuyến đi thăm nhà văn Nguyễn Mộng Giác đang nằm bệnh ở Cali... Lúc đó bệnh tình có lẽ đã vào giai đoạn cuối.
Nhân tiện, mình đã nhờ NXH làm luôn dấu tay cho Nguyên Mộng Giác vì nghĩ, với bệnh ung thư gan, thời gian của anh Giác chắc cũng chẳng còn bao lâu.
NXH đã chuẩn bị "đồ nghề" rất chu đáo để lấy dấu tay cho người bạn tri kỷ, gắn bó với nhau bao nhiêu năm trên văn đàn hải ngoại, với những tạp chí Văn, Văn Học... Với vai trò bệ phóng cho môt nền văn học miền Nam nối dài sau 75 ... tự do, nhân bản, khai phóng.
Nhưng khi gặp Giác nằm trên giường bệnh, Hoàng đã ko dám ngỏ lời, sợ bạn xuống tinh thần khi đau yếu.
Làm dấu tay lúc đó cũng tựa như nghe tử thần gõ cửa, lấy đi tờ khai sinh, dấu vết cuối cùng của một nhân cách hiền lành tài hoa.
Dù biết "Ngựa (đã) nản chân bon", đã qua rồi "Mùa biển động" với "Sông Côn mùa lũ"... Nguyễn Xuân Hoàng cũng ko dám hỏi vì thật sự khá tế nhị. Anh thương bạn, ôm bạn lần cuối rồi từ giã ra về tay không!
Mình cũng hiểu. Cũng tiếc ko có duyên với anh Nguyễn Mộng Giác. Thì thôi cũng đành!
Quả nhiên vài tháng sau Nguyễn Mộng Giác qua đời, thoát nợ trần ai vĩnh viễn vào ngày 2/7/2012

Mình tiếp tục làm blog với NXH.
Nhưng chẳng bao lâu sau, chính bản thân anh cũng đổ bệnh, đi đứng phải chống gậy và ngày càng gầy yếu, anh viết thư báo tin và muốn gặp mặt mình, để ngồi cà phê ít nhất một lần hàn huyên. Mình có hứa hẹn một ngày gần nhất sang Mỹ nhưng cũng ko thực hiện được! Thời gian đó bận bịu với mẹ già 90 tuổi và con nhỏ ko bỏ được cho ai.
Rồi Nguyễn Xuân Hoàng cũng "không còn thời gian", sức khỏe, bệnh tật ko cho phép anh đi đứng bình thường và quên hẳn chuyện gởi dấu tay qua bưu điện mà mình cũng ko tiện nhắc.
Anh đã âm thầm là "Người đi trên mây" theo sau "Sông Côn mùa lũ". Chỉ sau đó hơn năm.

Nguyễn Xuân Hoàng là người đầu tiên tự làm dấu tay từ xa. Nhờ vậy mà nay cách lấy dấu tay của E.E đã thành phổ biến trong giới văn nghệ sĩ. Mình đã có được dấu tay của Nhật Tiến, Luân Hoán, Hoàng Xuân Sơn, Hồ Đình Nghiêm và nhiều người khác dù ở đâu, tận chân trời góc bể nào cũng tới. Chưa kể những tác giả đã làm dấu tay cho nhau. Đủ để có một nhà lưu niệm.
E.E. đã kết nối những con người và những tấm lòng ko đố kỵ xích lại gần hơn. Trong nước và ngoài nước. Có những chuyện cười ra nước mắt... nhưng sẽ kể vào dịp khác.

Dưới đây là hình chụp dấu vân tay anh Nguyễn Xuân Hoàng. Ko rõ chị Trương Gia Vy vợ anh, gia đình có ai còn lưu giữ bản gốc dấu vân tay này hay ko?
Nay giỗ anh Nguyễn Mộng Giác, sắp tới ngày sinh anh Nguyễn Xuân Hoàng, nên viết mấy dòng như thắp nén hương muộn cho hai người tử tế, như một kỷ niệm, dù lúc hai anh ở đời, mình chưa một lần được bắt tay gặp mặt.

Cũng chỉ là một cuộc chơi, đua với thời gian.
Còn ra sao ngày sau ...?

SG 5/7/2020

Phan Nguyên








Tess

 















TESS


Hôm ấy trời đã bắt đầu lạnh, lá vàng đã rơi rụng gần hết nơi mình cư ngụ. Một khu làng nhỏ gồm biệt thự có vườn tược xinh xắn, nằm giữa hai cánh rừng nổi tiếng nhất ngoại ô nam Paris. Rừng Rougeau và rừng Sénart. Muốn đi đâu cũng phải lấy ô tô hoặc đi bộ cả giờ. Mua bán bất cứ thứ gì đều phải tích trữ cả tháng.
Sáng đó mình đã ra xe định nổ máy nhưng nghe nó khóc rít lên trong nhà, ngửa cổ tru một hồi dài thật thảm thiết ... Khiến mình đổi ý. Muốn giắt nó đi theo.
Đi bỏ thư mời bạn bè dự triển lãm tranh cuối Thu năm ấy.

Từ nhà mình đến bưu điện cũng gần chục cây số nhưng nếu đi đường tắt băng qua cầu bộ hành rồi xuyên rừng dọc xa lộ thì có lối gần hơn.
Vả lại cũng dịp cho nó tung tăng chạy nhảy giãn xương giãn cốt. Khi nghe mình trở vào bảo nó đi theo, người nó đã xoắn tít lên vẫy đuôi, rít lên vì sung sướng, quấn chặt lấy chân mình.

Nhưng khoan ... phải nói vài lời về lai lịch của nó trước đã !
Nó là một con chó giống Whippet gốc Ý dòng dõi Greyhound. Loài chó săn thường thấy xuất hiện trong tranh cổ điển thể kỷ 18, 19. Mõm dài eo thon, hay nằm trên nhung lụa cạnh các vua chúa quý tộc. Nhưng sang thế kỷ 20, theo đà phát triển của máu cờ bạc, nó là giống chó được dùng trong các trường đua để cá cược ăn tiền. Người Ý đã lai giống chó này cho thân nhỏ hơn, thấp hơn, nuôi chơi làm cảnh, hay cho các mệnh phụ che dù dắt đi dạo phố.... Và vẫn giữ nguyên vóc dáng thanh mảnh quý phái, ko mất cá tính kiêu kỳ chỉ thích nằm trên thảm, trên chăn, leo lên ghế chứ ko chịu nằm đất.
Nhưng khi săn bắt thì phi nhanh như ngựa chiến, tạt ngang tạt dọc nhanh hơn thỏ rừng.
Mình may mắn có được nó vì một người bạn đi làm xa, phải đi nước ngoài bỏ lại biếu không.
Phải nuôi mới hiểu, mới thương như nuôi một đứa trẻ mới lên năm lên ba thông minh vui tính.
Nó thường hay trèo lên lòng mình nằm gọn những khi trời trở lạnh. Đi đâu nó theo đó.
Nhớ một hôm tí nữa nó chết ngạt trong xe khoá cửa vì mình vào chợ hơi lâu. Khi trở ra nó đã gần như bất tỉnh, thở thoi thóp. May có chai nước lạnh cho uống ngay và bế ra ngoài.
Thoát chết!
Những lúc mình làm việc trong xưởng vẽ, dù lâu đến mấy nó cũng nằm chờ, cuộn tròn trong chăn, thỉnh thoảng hé mắt nhìn xem động tĩnh. Nó giống như một đứa bé ngoan hiền, rất đẹp ở bên cạnh mình cả ngày lẫn đêm.
Chiều chiều tản bộ với nó chung quanh làng, nhìn dáng đi thong dong với đôi mông chắc nịch, tưởng như một cô nàng yểu điệu thục nữ.
Trong tất cả những bạn thuộc loại bốn chân từ trước tới nay mình thích và thương nó nhất.

Sáng hôm ấy nó được tháo xích thả chạy tự do trước mặt, như mọi ngày nó chỉ tạt qua tạt lại hai bên đường làng vắng vẻ rất ít xe cộ... Nhưng khi qua cầu bộ hành để đến bên kia bìa rừng, nó đã biến mất vào bụi rậm... Mình gọi giật lại nhưng ko thấy nó nữa. Nó đã phóng xuống dốc đuổi theo một con vật nào đó và gặp đường xa lộ. Mình chỉ nghe thấy tiếng bánh xe lết trên mặt đường và nó đã văng ra xa cả chục thước bất tỉnh nhân sự. Đường liên tỉnh vắng nên may ko xẩy ra tai nạn đụng xe hàng loạt. Nhưng nó đã nằm bất động trước đầu một chiếc xe màu đỏ quay ngang. Mọi người đều giảm tốc độ kịp lúc.
Mình đã hoảng hốt lao xuống bế nó lên đặt bên vệ đường. Một dòng máu đỏ đã chảy qua kẽ răng thành vệt trên mặt đất. Khi nghe gọi tên, nó gượng đứng dậy nhìn mình, ngơ ngác, rồi lại khụy chân ngã xuống.
Lát sau cảnh sát đã đến chặn đường tránh rủi ro.
Sau đó chở mình bế nó vào nhà thương thú y cấp cứu. Bác sĩ bảo nó đã bị gãy hết xương sườn và dập hết lục phủ ngũ tạng. Ko cứu được.
Và nó đã mở mắt, thở hắt trên tay mình.

Đem nó về nhà, ngồi nhìn nó nằm cứng đờ bất động dưới đất, lần đầu tiên mình hiểu được sự sống và cái chết quả thật rất gần nhau. Khoảng cách chỉ một vài giây, một sợi tóc.
Ko có sự chia ly mất mát nào dứt khoát và vĩnh viễn bằng cái chết.
Dù là cái chết của một con vật.
H.A đã bỏ sở làm về nhà khi nghe tin. Suốt chặng đường về nàng đã khóc nức nở, mặt sưng húp.

Mình đã đặt tên nó là Tess.
Tess đẹp như một bé con ngây thơ, hiền lành, vui tính. Nay Tess vẫn nằm trong khu vườn nhà, dưới hai thước đất. Cạnh một cây Phong già.

PN. Sài Gòn 6/6/2020
Phan Nguyên









Nói Chuyện Với Tách Cà Phê