Total Pageviews

Wednesday, February 3, 2021

Cuối Đường Nhìn Lại

 









Cuối đường nhìn lại


Cũng chỉ định đua theo bạn bè nộp hồ sơ cho vui, ai ngờ lại được tuyển. Nếu dạo đó mình không xuất ngoại thì sao nhỉ? Cuộc đời sẽ thế nào? Sẽ đi đâu về đâu? Làm nghề gõ đầu trẻ hay đã cầm súng và xanh cỏ?
Có những ngã rẽ vô tình trong mỗi đời người mà ta chỉ thấy ý nghĩa khi tới cuối đường nhìn lại và tự hỏi... "đã đi đâu về đâu?", hoặc "ta đã làm chi đời ta"... đượm mùi triết lý của một thi sĩ nổi tiếng.
Đúng vào ngày này tháng này, ngày mười bảy tháng Chạp, cách đây nửa thế kỷ, mình đã đi du học.
Còn văng vẳng bên tai câu hát "Này em hỡi con đường em đi đó con đường em theo đó... đúng hay sao em?"... Và người nhạc sĩ khi xưa hỏi câu này giờ đã thành tu sĩ.
Nhớ cái đêm đầu tiên đặt chân đến Châu Âu, một đêm giá rét gió lạnh âm độ và chỉ còn vài tuần là Giáng Sinh... Chiếc Airbus đã đến trễ vì hỏng máy, phải hạ cánh xuống Karachi sửa chữa. Trong túi chỉ có một địa chỉ quen biết cách thủ đô Bruxelles cả trăm cây số. Phải lấy ngay chuyến xe lửa đêm cuối cùng đi Liège... Ngồi ngủ gà ngủ gật, mệt lả với hành trình như vô tận, âm u tiếng còi tàu và nhịp cầu xe đong đưa ẩn hiện những khuôn mặt thân quen, mệt mỏi, hốc hác...
Mới đây vài tháng còn ở trại Quang Trung với khóa sinh viên quân sự học đường... chuẩn bị nghiệp lính sau đại học... bạn bè mấy đứa còn cười vang cụng ly dắt nhau đi "xả xui" tận Gò Vấp.
Hỏa châu còn thắp sáng đêm đêm và không khí chiến tranh càng ngày càng đến gần. Sài gòn thường xuyên bị pháo kích. Tiếng súng đạn và xích sắt tưởng như còn ì ầm bên tai... Mậu Thân đẫm máu còn ám ảnh từ Nam ra Bắc.
Sài gòn ơi Sài gòn! Mới vẫy tay chào từ biệt những gương mặt thân quen giờ đã thành quá khứ. Quê hương đã tận cuối chân trời, buồn vì "người tình trẻ" ko đưa tiễn... Giấc mơ cử nhân triết đành bỏ lại nơi sân trường văn khoa với những tà áo dài phấp phới, với những lời hứa hẹn rồi anh sẽ về... sẽ về... mai mốt .
"Dậy đi, đến rồi! Giờ này khó có xe lắm... hay về tôi ngủ, mai sẽ hay?!"...

Muốn mở mắt cũng không ra, mình vội kéo lê cái valise căng phồng xuống bến. Còn nhớ giọng nói lơ lớ của người nhập cư mới quen đi cùng tầu đêm đó. Anh chàng cao gầy, khoác manteau xanh, đầu đội mũ dạ len và tốt bụng.
Đến Liège trời tối đen nhưng tuyết phủ trắng xóa. Thành phố đèn đường vàng hiu hắt không bóng người, không một tiếng mèo kêu, chỉ có hàng cây trụi lá im lìm trong giá rét khiến mình cảm thấy lo ngại, bất an.
Nhưng khi về đến nhà, ngả lưng xuống giường là "thăng thiên", mê man không còn biết trời trăng gì nữa.
Năm đó mình đi học kinh tế ở Bỉ cùng với hơn chục bạn trẻ mặt búng ra sữa. Mỗi đứa một hoài bão trên lưng do cha mẹ và gia đình đeo lên nặng trĩu. Nhưng cũng có đứa chỉ trốn quân dịch; không học hành gì, sang đến nơi đã có nhà cửa và xe đưa rước.
Sáng hôm sau thức dậy mình nhớ mãi cái mùi đặc biệt của Liège là mùi... bơ sữa. Mùi bơ và mùi sữa từ những lò bánh mì thơm phức tỏa ra lẫn vào không gian màu xám xịt.
Cảm nhận đầu tiên: Liège là một thành phố cổ kính và buồn thiu!
Mấy hôm sau không tìm được người quen nhưng mình cũng tìm được một căn phòng cho thuê gần khu đại học, bên kia sông Meuse.
Lần đầu trải qua một mùa Noel buồn chán nhất trong đời vì thành phố xa lạ. Cả khu đại học đã nghỉ lễ. Mọi người trở về với gia đình chuẩn bị đêm Noel và Tết tây trong bếp lửa ấm cúng. Thành phố nhấp nháy những ánh đèn màu nhưng mọi nhà đều đóng cửa, yên lặng lạ thường, rất tỉnh lẻ!
Liège là một thành phố xưa cũ, hiền hòa, ít dân cư, nhiều người già và hiếu khách.
Giáng Sinh năm đó chỉ còn mình và vài đứa sinh viên nước ngoài lang thang mồ côi gia đình không ai đón.
Tiếng nhạc Noel xa xa vọng đến từ một căn phòng bên kia đường nghe thật rõ "mon beau sapin roi des forets, que j'aime ta verdure...".
Và tuyết rơi ngập đường.

Nhưng rồi cũng xong vài năm học kinh tế nửa chừng xuân... Mình đã bỏ Vương quốc Bỉ buồn tẻ để sang kinh đô ánh sáng, Paris - thủ phủ của nước đại Pháp, cái nôi của nhiều cuộc cách mạng và nhân quyền...Của công bằng và bác ái. Cũng trên một chuyến xe lửa xuôi về Nam qua những cánh đồng lúa vàng, cỏ cháy...
Màu của mùa hè đỏ lửa năm 72. Thế kỷ trước!
( còn tiếp)

Phan Nguyên








No comments:

Post a Comment

Nói Chuyện Với Tách Cà Phê