Total Pageviews

Wednesday, February 3, 2021

Hát Cho Nhau Nghe!

 









Hát cho nhau nghe!


Người đàn bà bước lên sân khấu trong điệu nhạc nhún nhẩy xập xình:
"Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ ... không gian trầm lắng như âu yếm ru ai trong giấc mơ ...mái tóc nhẹ rung...trăng vờn làn sóng..."
Đây là lời hát bài Dư Âm với điệu Slow Rumba của thời tiền chiến, du dương và lãng mạn mình vừa được nghe tối nay, với rất nhiều kỷ niệm lãng đãng xa xưa hiện về như một người tình cũ.
Tối nay có cậu em từ Hà Nội vào chơi mời đi phòng trà nghe nhạc. Đã từ khá lâu mình không còn biết đến sự mờ ảo chớp nháy đèn màu của sân khấu về đêm ... nên có cảm giác vừa xa lạ ... vừa rất quen.

Lạ so với những phòng trà nhạc trẻ, có nhạc "sống" nổi tiếng của Sài gòn khi xưa.
Cuối những năm 60 thế kỷ trước, mình cũng theo bạn bè cuối tuần tập tễnh ăn chơi ở những phòng trà Tự Do nơi có ban nhạc trẻ Blue Jet, với Thái Hiền cô con gái út còn bé của nhạc sĩ Phạm Duy lúc đó đã lên sân khấu, hoặc phòng trà Queen Bee trước rạp Rex đường Lê Lợi có anh em tay đàn guitar cự phách Tambicanou, hay Đêm Màu Hồng cuối đường Nguyễn Huệ hình như gia đình nhạc sĩ Phạm Đình Chương làm chủ, gần bến Bạch Đằng. Thỉnh thoảng còn vào Maxim's cạnh Hotel Majestic nghe nhạc và "nhảy đầm", túi áo lúc nào cũng cắm vài điếu cigarillos.
Lạ nhưng cũng quen với không khí của Sài gòn cách đây hơn nửa thế kỷ! Thời mà khu trung tâm có khá nhiều quán Bar xanh đỏ rượu bia và lính tráng ngoại quốc.
Maxim's trên đường Tự Do của giới phong lưu thời xưa vẫn còn đó, nhưng nay tên đường đã đổi thành Đồng Khởi ... ngọn nguồn của những câu vè dân gian lưu truyền một thời: "Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý. Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do"
Tối nay mình la cà với những bạn văn nghệ sĩ gốc Bắc. Gọi là Bắc kỳ chín nút đi Sàigon by night với Bắc kỳ 2 nút, 5 nút ... Mọi người cười đùa thoải mái rồi dắt nhau vào một phòng trà ca nhạc sau bữa ăn tối với món bún chả chính hiệu Hà Nội!
Lạ lẫm cũng vì khu Cộng Hòa mình ít có dịp đặt chân đến ... một khu phố nghe đâu mới hình thành từ sau 75 với toàn người Bắc. 90% Bắc, đa phần là giới quân đội được phân lô cấp nền để xây nhà.
Đường xá nơi đây rộng rãi, nhà cửa đã mọc lên ùn ùn với những hàng quán cũng gốc Bắc, thịt chó, giả cầy, bún đậu mắm tôm, phở gà Tràng An, phở bò Lý Quốc Sư có đủ, và những khu thương mại sáng choang, đông đúc kẹt xe kẹt người!
Phòng trà tối nay gọi là "phòng trà ca nhạc" nhưng không có ca sĩ chuyên nghiệp, không có ban nhạc sống mà chỉ có độc nhất một nghệ sĩ đàn orgue, đệm cho tất cả những ai muốn "thể hiện" giọng ca vàng oanh ... gọi là hát, hay "hét" cho nhau nghe đều được và có lý!
Cũng may tối nay mọi người đều hát hay như ca sĩ, hình như toàn khách quen và đã được tập dượt ngân nga nhiều lần với máy Karaoke ... Ai lên hát ...có dở mấy cũng được rất nhiều người ngồi dưới chạy đến tặng hoa bằng nhựa... đủ màu sắc! và vỗ tay tán thưởng nồng nhiệt thật vui.
Dĩ nhiên có người đứng quay phim từ xa cho các cặp "múa đôi" biểu diễn. Hình như mọi người cũng có tập dượt khá kỹ nên cũng lả lướt thướt tha như trước sân tượng đài Lý Thái Tổ ngoài ấy. Cũng tựa vai nghiêng bên này, giơ tay phất bên kia, ngoáy mông rất điệu nghệ!
Mình chỉ còn biết ngồi nhìn và "thán phục" vì bây giờ yếu tim không nhảy được nữa!
Mọi người nhảy nhót vui chơi hồn nhiên như thời còn son trẻ dù đã luống tuổi, toàn u sáu mươi bảy mươi, nhưng có sao đâu ?... hát với nhau, vui với nhau thôi mà!
Có điều rất lạ ... từ đầu đến cuối không ai hát một bản nhạc cách mạng nào ... chẳng có anh em nào trên chiếc xe tăng ... chẳng có anh nào nhìn thẳng cô ca sĩ mà bắn ... mà hát toàn nhạc vàng nhạc xanh nhạc tiền chiến ... Mình cố tình xúi cậu em hát một bài nhạc đỏ xem sao!
Cũng từng là lính bộ đội, nó nhìn mình lí nhí thử giọng một ca khúc giải phóng ... "gặp em trên cao lộng gió, rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ... Em đứng, đứng ở bên đường .... ơ ơ ơ ... anh điên rồi à! thôi đi!"
Chả bù hôm trước ngồi chung bàn với một ông nhạc sĩ chuyên nghiệp có râu mép, thần tượng khá nổi tiếng của nhạc Rock định hướng thời dinh dưỡng... Vừa mới nghe nhà bên cạnh vang lên điệu Bolero của miền Nam trước 75, đã vội nhăn mặt dị ứng rủ đi nơi khác! Và để nghe anh ta kể chuyện dông dài về nền thơ nhạc của chính mình đang bị thiên hạ bỏ quên!

Thôi nhé! hẹn gặp nhé ... giữa Sài gòn!

Sg 03/05/2019
Phan Nguyên








No comments:

Post a Comment

Nói Chuyện Với Tách Cà Phê